Đuối nước ở trẻ - đến hè lại lo

Đỗ Hòa-Thứ hai, ngày 23/05/2022 13:44 GMT+7

VTV.vn - Năm học sắp kết thúc, hè về cũng là thời điểm mà nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ gia tăng, nhất là ở các địa phương có tỷ lệ cao về đuối nước ở trẻ em.

Khu vực đập tràn xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, giữa trưa cả vùng bãi rộng lớn yên ả, vắng lặng. Nhưng hơn 1 tháng trước, vào chiều ngày 4/4, nơi này là nỗi đau khi 5 em học sinh lớp 6 đã mất vì đuối nước.

Cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm, đề phòng đuối nước - tấm biển được dựng lên sau tai nạn thương tâm. Và không chỉ một, nhiều bảng cảnh báo khác cũng đã cắm tại các khu vực sông, hồ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, nơi có tới 5 con sông chảy qua cùng hơn 100km đường đê.

Đuối nước ở trẻ - đến hè lại lo - Ảnh 1.

Nỗi sợ là hiện hữu, những tấm biển cảnh báo cũng hiện hữu nhưng cả nỗi sợ và tấm biển vẫn chưa ngăn được những nỗi đau tiếp diễn bởi ngay ở thời điểm ghi hình, khi phóng viên hỏi thăm đường đến đập tràn xảy ra vụ đuối nước, lại nghe thêm 1 vụ đuối nước khác vừa xảy ra vào tối hôm trước.

Ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Còn tại Thanh Hóa - địa phương trong hơn 3 tháng đầu năm đã xảy ra 16 vụ đuối nước, khiến 20 trẻ tử vong, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Công điện chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp để hạn chế, đẩy lùi tai nạn đuối nước. Nhiều biện pháp đã được thực hiện, trong đó có công tác tăng cường kiến thức phòng, chống đuối nước cho học sinh trong nhà trường. Tuy nhiên, thực tế việc dạy và tăng cường kiến thức này vẫn còn những hạn chế.

Phòng chống đuối nước: Dạy và học đã hiệu quả?

14h30, buổi sinh hoạt chuyên đề phòng, tránh đuối nước cho học sinh Trường THCS Thiệu Nguyên bắt đầu. Đến hơn 16h, chuyên đề phòng, tránh đuối nước được hoàn thành.

Ông Hoàng Văn Sơn - giáo viên kỹ năng sống - cho biết: "Hướng dẫn tập trung và thời lượng ngắn thì đưa vào thực hành là khó. Một chương trình hướng dẫn thì phải 10 buổi, mỗi buổi 2 tiếng. Rút 10 buổi thành 1 buổi 1,5 tiếng nên việc đưa kỹ năng đến cho học sinh vẫn còn rất hạn chế".

Có thể thấy, với thời gian và hình thức học như vừa rồi,vậy khó có thể nói những chuyên đề về giáo dục phòng, tránh đuối nước sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc tăng cường kiến thức phòng, chống đuối nước cho học sinh, cũng như khả năng xử lý tình huống thực tế. Trong khi đó, mỗi lần, những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra thì việc dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em lại được đề cập tới. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, mục tiêu phổ cập bơi lội cho trẻ em vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Phổ cập bơi cho trẻ: Vẫn khó thực hiện

12/38 tức khoảng 30% học sinh của lớp 3 trường Tiểu học Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa biết bơi.

Dạy bơi cho trẻ, bố mẹ khó sắp xếp, còn nhà trường cũng không dễ. Bởi dù theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bơi lội đã được đưa vào là môn học tự chọn nhưng việc dạy bơi lại chưa bao giờ là lựa chọn của các trường trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Bởi 100% trường học trên địa bàn chưa có bể bơi.

Thầy Lê Ngọc Lâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa - cho hay: "Nhà trường có đơn vị liên kết nhưng kinh phí lớn 700 triệu. Số tiền lớn, không đủ kinh phí, chưa kể chi phí vận hành hoạt động sau đó. Nhà trường không dạy bơi, chỉ có thể dạy cảnh báo".

Thống kê của Vụ Giáo dục thể chất, tính đến cuối năm 2020, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học.

Khó khăn và cả những bất cập vẫn còn đó trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng như phổ cập dạy bơi trong nhà trường. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những nỗ lực và cả những chuyển biến trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em, đặc biệt là trước những mối nguy về tai nạn đuối nước vẫn đang được gia đình, nhà trường rốt ráo thực hiện, nhất là trong thời điểm hè về.

Nỗ lực tăng tỷ lệ học sinh biết bơi

Đuối nước ở trẻ - đến hè lại lo - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Sau 6 năm, số lượng bể bơi trên cả huyện Thiệu Hóa tăng thành 5 bể và đây cũng sẽ là địa điểm của những lớp học bơi vào hè này của học sinh trên địa bàn với mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh biết bơi từ 25% lên đến 80%.

Đương nhiên, để đảm bảo an toàn cho hoạt động dạy bơi, chi phí không phải là bài toán duy nhất cần giải khi cả 5 bể bơi trên địa bàn huyện này vẫn đang ở quy mô hộ gia đình.

Ông Hoàng Văn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa - cho biết: "Các bể bơi mang tính chất gia đình, chưa lớn. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra để đảm bảo mức độ an toàn của các bể bơi, đánh giá chất lượng".

Cũng theo ông Lực, ngoài các hoạt động giáo dục bơi lội, huyện còn đang nỗ lực để có thể xây dựng các sân chơi, tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn cho trẻ nhỏ trong dịp hè về.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước