Đường nhập lậu khiến ngành mía đường trong nước khốn đốn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 29/09/2024 06:20 GMT+7

VTV.vn - Đường nhập lậu, vận chuyển trái phép vào VIệt Nam liên tục gia tăng gây tổn hại nghiêm trọng ngành sản xuất trong nước.

Năm 2023, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam ước đạt khoảng 600.000 tấn, chiếm tới 63% sản lượng đường của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước. Nửa đầu năm nay, tình hình này tiếp tục gia tăng, chủ yếu từ Thái Lan qua các con đường tiểu ngạch tại Lào và Campuchia.

Tại cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và dọc tuyến đường 9, đường có thể nhập khẩu chính ngạch từ Lào, trong khi đường nhập lậu lại được vận chuyển trái phép vào nội địa. Các kho chứa đường nhập lậu chất đầy hàng chuẩn bị thanh lý. Theo ghi nhận, các đối tượng buôn lậu thường chờ cơ quan chức năng thanh lý đường để mua lại và lập hồ sơ.

Trên khu vực biên giới Quảng Trị, thời gian gần đây, các kho làm bằng tôn mọc lên khá nhiều, với giải thích của người dân là cất đồ cho gia đình. Tuy nhiên, tại một số nhà kho này, đường kính được chất đầy bên trong.

Ông Trần Phước Cuồng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, cho biết: "Chúng tôi sẽ rà soát việc dựng kho có đảm bảo quy hoạch không. Nếu xây dựng trên đất nông nghiệp trái phép, chúng tôi sẽ tuyên truyền tháo dỡ".

Tại Quảng Trị, trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới và dọc tuyến đường 9 đã bắt giữ 663 tấn đường kính xuất xứ nước ngoài bị thu giữ. Tuy nhiên, số vụ bị truy tố chiếm tỷ lệ nhỏ, hầu hết chỉ là xử phạt hành chính. Hệ lụy là các đầu nậu sẵn sàng thực hiện nhiều lần hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu qua nhiều năm một cách công khai.

Đường trong nước tồn kho tăng vì đường nhập lậu

Đường cát nhập lậu bị bắt giữ thường được mang đi kiểm nghiệm, nếu đạt tiêu chuẩn quốc gia, sẽ được bán đấu giá. Nhờ kỹ thuật "quay vòng hóa đơn đấu giá", một lượng lớn đường nhập lậu đã vào thị trường một cách hợp pháp, trong khi chỉ một tỷ lệ nhỏ bị giữ lại. Việc các đối tượng buôn lậu chỉ bị phạt hành chính vì vi phạm số lượng nhỏ đã dẫn đến hệ quả nghiêm trọng: đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với đường nhập lậu và tồn kho lớn.

Nhà máy Đường An Khê thuộc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi với vùng nguyên liệu trên 32.000 ha và công suất ép 18.000 tấn mía/ngày, đang chịu tác động lớn từ tình trạng đường nhập lậu. 

Tại các nhà máy đường tại miền Trung - Tây Nguyên đã kết thúc 4 tháng sản xuất, nhưng đường tồn kho vẫn rất nhiều. Một nhà máy đường năm ngoái bán gần hết, nhưng hiện còn gần 50%. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải ký gửi đường do đường lậu chiếm lĩnh thị trường. Tại chợ Tuy Hòa, Phú Yên, nơi có hai nhà máy đường, không khó để bắt gặp đường lậu được tiêu thụ với giá ngang bằng với giá đường trong nước.

Trong niên vụ 2023-2024, 24 nhà máy đường trên cả nước sản xuất hơn 1,2 triệu tấn đường, trong đó 62% sản lượng được chế biến từ khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, lượng đường tồn kho tại 24 nhà máy vẫn còn lên tới 480.000 tấn, chiếm 40%. Tình trạng tiểu thương bán đường lậu sẽ tiếp tay cho việc khiến người trồng mía trong nước rơi vào thế khó, khi đường sản xuất không bán được, tồn kho tăng cao có thể kéo theo giá mía niên vụ tới bị giảm.

Tăng cường ngăn đường nhập lậu

Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng đường nhập lậu vào Việt Nam. Tuy nhiên, tổng lượng đường nhập lậu bị phát hiện và bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm phần rất nhỏ so với số lượng đường lậu đã trót lọt. Điều này cho thấy công tác đấu tranh chống gian lận thương mại để ngăn chặn đường nhập lậu vẫn còn nhiều kẽ hở và đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã xử lý 30 vụ việc liên quan đến kinh doanh đường cát nhập lậu, thu giữ hơn 67.400 kg đường cát do Thái Lan sản xuất, với trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Đường cát không chỉ được tuồn qua tuyến biên giới, mà các "đầu nậu" còn sử dụng mọi thủ đoạn để vận chuyển vào sâu trong nội địa.

Ông Nguyễn Đình Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, cho biết: "Chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường xử lý các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại như đường cát và hàng hóa không rõ nguồn gốc".

Để ngành mía đường trong nước phát triển, cần củng cố chuỗi liên kết trong sản xuất, xây dựng thị trường đường lành mạnh và phát triển hài hòa. 

Miền Trung và Tây Nguyên chiếm 62% tổng sản lượng mía đường cả nước. Những khó khăn mà ngành mía đường đang phải đối mặt đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng vạn hộ nông dân trồng mía trong khu vực này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước