Hành lý xách tay được miễn cước của mỗi hành khách có vé đi tàu hợp lệ không vượt quá 20 kg. (Ảnh: NLĐ)
Theo đó, hành lý xách tay được miễn cước của mỗi hành khách có vé đi tàu hợp lệ không vượt quá 20 kg. Chiều dài không vượt quá 0,8 m; chiều rộng không vượt quá 0,5 m; chiều cao không vượt quá 0,4 m.
Nếu hành lý xách tay vượt quá trọng lượng và kích thước quy định thì hành khách phải mua vé theo quy định. Nếu hành lý đó gây cản trở việc đi lại của hành khách hoặc gây mất an toàn trên toa xe khách, hành khách phải gửi hành lý đó lên toa xe hành lý nếu toa xe hành lý còn chỗ.
Về đóng gói hành lý ký gửi, tùy theo tính chất của hàng hóa, hành khách, người gửi phải bao bọc, đóng gói đúng quy cách để đảm bảo không bị hư hỏng, đổ vỡ, rơi vãi, xô lệch hoặc gây ảnh hưởng đến các hàng hóa khác trong quá trình xếp dỡ và vận chuyển.
Mỗi kiện hàng dài không quá 2,5 m; rộng không quá 0,5 m và thể tích không quá 0,5 m; trọng lượng không quá 75 kg.
Trọng lượng tính cước tối thiểu của hành lý ký gửi là 5 kg/kiện; phần lẻ từ 0,5 kg trở lên quy tròn thành 1 kg; từ 6 kg trở lên tính theo trọng lượng thực tế (đã quy tròn).
Đối với hàng cồng kềnh, cứ 1 m3 tính cước 300 kg. Cụ thể, xe đạp tính cước 50 kg/chiếc; xe đạp điện các loại, xe máy các loại có dung tích xi lanh nhỏ hơn 50 cm3 tính cước 100 kg/chiếc; xe máy điện và xe máy các loại có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 125 cm3 tính cước 150 kg/chiếc.
Xe máy các loại có dung tích xi lanh từ 125 cm3 đến dưới 250 cm3 tính cước 250 kg/chiếc; xe máy các loại có dung tích từ 250 cm3 đến dưới 500 cm3 trở lên tính cước bằng 450 kg/chiếc. Xe máy các loại có dung tích từ 500 cm3 trở lên tính cước bằng 700 kg/chiếc.
Tủ lạnh nguyên chiếc có dung tích nhỏ hơn 150 lít tính cước 150 kg/chiếc; tủ lạnh nguyên chiếc có dung tích từ 150 lít trở lên tính cước 300 kg/chiếc. Máy khâu có bàn, có lắp chân đứng tính cước 100 kg/chiếc
Đối với xe đạp các loại, xe máy các loại (nguyên chiếc và tháo rời), máy khâu, tủ lạnh các loại nếu đóng thành hòm kiện chắc chắn có thể xếp chồng lên nhau với các loại hàng hóa khác được thì 1m tính cước 250 kg.
Ngoài ra, việc ghi các thông tin bên ngoài bao gói của hành lý ký gửi do hành khách hoặc người thực hiện phải đảm bảo chính xác, rõ ràng (riêng số hiệu vé hành lý ký gửi do nhân viên hành lý của đơn vị vận tải ghi).
Thông tin ghi bên ngoài bao gói gồm: Họ và tên, số giấy tờ tùy thân của người gửi, người nhận: ghi đầy đủ họ, tên đệm, tên; số CMND/CCCD; Địa chỉ: ghi đầy đủ các nội dung: số nhà, ngõ, hẻm, tổ, đường phố, phường, quận, thành phố hoặc thôn, xóm, xã, huyện, tỉnh; Số điện thoại: ghi đầy đủ số điện thoại người gửi, người nhận; Số hiệu vé hành lý ký gủi: phải ghi đầy đủ ký hiệu và số hiệu vé hành lý.
Với các loại hàng hóa trong khi xếp dỡ, bảo quản và chuyên chở cần lưu ý thận trọng hoặc bảo quản đặc biệt, hành khách cần ghi trực tiếp lên bao gói (hoặc dán nhãn), ký hiệu, biểu trưng thể hiện: chiều để bao gói, kỵ ướt, kỵ nắng, dễ vỡ… (chú ý: không xếp lộn ngược hoặc hàng dễ vỡ…).
Sau khi đã làm thủ tục gửi hành lý ký gửi, hành khách, người gửi hành lý ký gửi có thể thay đổi, không gửi toàn bộ hoặc một phần hành lý ký gửi; thay đổi ga đến, người nhận nhưng phải làm thủ tục thay đổi, điều chỉnh trước giờ tàu chạy 4 giờ tại các ga có tác nghiệp nhận vận chuyển hành lý ký gửi.
Trong thời hạn trên, hành khách, người gửi hành lý ký gửi có thể rút một phần hoặc tất cả hành lý ký gửi nhưng cần có giấy yêu cầu và được hoàn lại tiền cước phí phần rút lại, phải trả tiền xếp dỡ, tiền bảo quản (tính từ khi nhận chở đến khi giao lại) theo quy định của doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!