F0 phải can thiệp ECMO ở BV Thanh Nhàn kể chuyện "trở về từ cõi chết"

Nguyễn Minh-Thứ sáu, ngày 17/09/2021 16:46 GMT+7

VTV.vn - Từng phải can thiệp ECMO, sự bình phục thần kỳ của bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc là nỗ lực lớn của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc đã được hồi sinh sau khi rơi vào tình trạng nguy kịch do nhiễm COVID-19.

Đầu tháng 8, gia đình anh Ngọc được đưa đi cách ly tập trung vì sát nhà có trường hợp F0. Lúc này, nhà anh đã có 3 người nhiễm COVID-19. Đến ngày 12 được xét nghiệm để chuẩn bị rời khỏi khu cách ly tại Thanh Trì, anh Ngọc được phát hiện nhiễm COVID-19, nồng độ virus rất cao. Anh được chuyển tới Bệnh viện Đống Đa điều trị.

Sau 2 ngày nằm viện, cơ thể anh phản ứng dữ dội với virus SARS-CoV-2. Cơn bão cytokine xuất hiện và anh được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc đã không giấu được xúc động khi được xuất viện ra về: "Tôi rất vui. Gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã không bỏ lại ai phía sau. Cùng với lời cảm ơn sâu sắc nhất đến ban giám đốc, lãnh đạo, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã cố gắng hết sức mình cứu sống tôi".

F0 phải can thiệp ECMO ở BV Thanh Nhàn kể chuyện trở về từ cõi chết - Ảnh 1.

Y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viên Thanh Nhàn tặng hoa chức mừng bệnh nhân Ngọc.

F0 phải can thiệp ECMO ở BV Thanh Nhàn kể chuyện trở về từ cõi chết - Ảnh 2.

Trao đổi với báo chí, ThS, BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh lý nền. Khi được chuyển từ tuyến dưới lên, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch.

"Sau 3 ngày chạy ECMO, hô hấp bệnh nhân được cải thiện dần. Chúng tôi liên tục hội chẩn về chuyên môn, theo dõi sát các thông số để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất", bác sĩ Dẫn cho biết.

Thời khắc quyết định can thiệp ECMO ngay trong đêm 8/8 là khi bệnh nhân gần như ngừng tim, chỉ số SpO2 dưới 55%, mạch có biểu hiện chậm. Đặc biệt chỉ số huyết áp không đo được. Các bác sĩ phải nhanh chóng dùng các loại thuốc vận mạch, đặt ống nội khí quản sớm và quyết định chạy ECMO coi như biện pháp cuối cùng với hy vọng cứu sống người bệnh.

Trong quá trình can thiệp ECMO, các bác sĩ gặp không ít thách thức do tình trạng ô-xy máu của bệnh nhân liên tục đe dọa và giảm nhanh, luôn phải có bác sĩ điều chỉnh hệ thống máy thở để bảo đảm ô-xy cho quá trình can thiệp ECMO trong 3 tiếng thành công.

3 ngày đầu, tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch. Các chỉ số về ô-xy, huyết động và đặc biệt tình trạng rối loạn đông máu chưa được kiểm soát, phải theo dõi sát sao và điều chỉnh liên tục. Đến ngày thứ 3, tình trạng của bệnh nhân khả thi hơn khi ô-xy trong máu đã có tín hiệu tăng dần nhưng phổi vẫn bị tổn thương nặng, đông đặc, xơ hóa.

Dần dần, bệnh nhân có sự hồi phục, ô-xy trong máu lên, huyết áp ổn định hơn. Các bác sĩ quyết định dừng an thần để đánh giá ý thức và thấy bệnh nhân đã có cử động tay chân, có tín hiệu đáp ứng được với bác sĩ. Lúc này các bác sĩ mới thở phào vì quyết định can thiệp ECMO đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân.

F0 phải can thiệp ECMO ở BV Thanh Nhàn kể chuyện trở về từ cõi chết - Ảnh 3.

Bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc và gia đình vui mừng khi chiến thắng COVID-19.

Sau gần 50 ngày nằm viện, anh Hoàng Văn Ngọc đã khỏe mạnh, có kết quả xét nghiệm âm tính và được ra viện hôm nay (17/9). Anh gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ trong lúc anh tuyệt vọng nhất đã động viên anh về mặt tinh thần và đã kiên trì cứu sống anh. Dù hiện tại sức khỏe chưa hồi phục, chân còn yếu do nằm nhiều ngày và tinh thần còn chưa tỉnh táo sau can thiệp ECMO, anh Ngọc cho biết, anh biết quý trọng sức khỏe hơn trước, sẽ dành nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình.

F0 phải can thiệp ECMO ở BV Thanh Nhàn kể chuyện trở về từ cõi chết - Ảnh 4.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là bệnh nhân chạy ECMO đầu tiên được điều trị hồi phục tại Bệnh viện Thanh Nhàn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nội. Sau 50 ngày kể từ khi nhập viện, quá trình điều trị đã phải sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp như thở máy, lọc máu và ECMO.

Hiện bệnh viện có một dàn máy can thiệp ECMO và đây là trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được quyết định can thiệp tim phổi nhân tạo. Trong quá trình triển khai, Bệnh viện Thanh Nhàn đã nhận được sự tư vấn về chuyên môn rất sát sao của các chuyên gia đầu ngành tại tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong sáng 17/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cũng có mặt để gửi lời chúc mừng đến anh H.V.N và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn.

F0 phải can thiệp ECMO ở BV Thanh Nhàn kể chuyện trở về từ cõi chết - Ảnh 5.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng chúc mừng bệnh nhân H.V.N và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hưng cho biết: "Cuộc chiến giữ lại mạng sống của người bệnh khỏi đại dịch COVID-19 thì chạy ECMO là biện pháp cuối cùng. Đây là ca đầu tiên của Bệnh viện Thanh Nhàn thành công khi can thiệp ECMO. Với vai trò lãnh đạo Sở Y tế, tôi đánh giá rất cao chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn – đơn vị đầu ngành của chuyên ngành hồi sức, chống độc, cấp cứu. Qua ca bệnh này, chúng tôi khẳng định rằng nguồn lực y tế Thủ đô sẵn sàng đáp ứng những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra". Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh, can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) là biện pháp cuối cùng để cứu sống người bệnh trong tình trạng suy hô hấp, phổi đông đặc. Việc bệnh nhân được cứu sống đã tiếp thêm năng lượng cho các y, bác sĩ tiếp tục kiên trì hơn nữa trong điều trị người bệnh COVID-19.

160 bệnh nhân COVID-19 là số lượng mà Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị, trong đó có 30 bệnh nhân ở mức độ nặng và nguy kịch. Tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã có 97 F0 được ra viện. Phần lớn những bệnh nhân còn đang điều trị chỉ có triệu chứng nhẹ.

Cùng với Bệnh viện Thanh Nhàn, thành phố Hà Nội hiện đã giao hơn 30 bệnh viện khác chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp đón và điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngành y tế Thủ đô đang lên phương án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và đặc biệt là oxy y tế, đáp ứng tình huống có 40.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 8.000 giường bệnh điều trị người bệnh mức độ vừa, nặng và nguy kịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước