Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Gia Lai đang khám và điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (Ảnh: VOV)
Không chỉ gia tăng số ca mắc mới mà nhiều ổ dịch mới cũng xuất hiện. Các huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao là huyện Ia Grai 321 ca, thành phố Pleiku 233 ca, Krông Pa 188 ca, Ia Pa 155 ca…với 511 ổ dịch.
So với cùng kỳ năm ngoái, dịch bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 5 lần, mật độ muỗi, bọ gậy, lăng quăng đều cao hơn chỉ số cho phép của Bộ Y tế. Đáng lưu ý, các ổ dịch sau khi được xử lý phun hóa chất nhưng vẫn chưa xử lý triệt để dẫn đến tình trạng người mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại.
Theo ngành y tế Gia Lai, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng cao cho đến tháng 10 năm nay vì thời điểm này có mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp, là môi trường để loăng quăng, bọ gậy phát triển. Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực của ngành y tế trong phòng chống sốt xuất huyết thì điều kiện tiên quyết là người dân không được chủ quan phòng bệnh.
"Người dân cố gắng thực hiện hướng dẫn của ngành chuyên môn đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là không để nước đọng. Người dân hãy cố gắng từ 5 đến 7 ngày hãy kiểm tra chung quanh khu vực sinh sống của mình xem có nước đọng hay không để loại bỏ phát triển loăng quăng bọ gậy”, VOV dẫn lời ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai.
Thời gian qua, các ca bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh tại nhiều địa phương, nhiều ca bệnh biến chứng nặng do người bệnh chủ quan, chữa trị không đúng cách... Theo các chuyên gia y tế, bệnh có nhiều giai đoạn tiến triển và cần theo dõi cẩn thận.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, giai đoạn ủ bệnh thường dễ nhầm với sốt thường và sốt virus. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường có biểu hiện đặc trưng như: Da xung huyết, phát ban xuất huyết dạng chấm dưới da, chảy máu chân răng. Nếu nặng thì người bệnh thường có biểu hiện đau bụng vùng gan, gan to, tiểu ít, nôn nhiều.
Người bệnh mắc sốt xuất huyết thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nhất sau đó khoảng 3 - 7 ngày. Đây là giai đoạn cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện lâm sàng như: Co giật, li bì; Lạnh các đầu chi, da tái lạnh; huyết áp tụt hoặc không đo được... Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: Xuất huyết dưới da; Xuất huyết niêm mạc được biểu hiện triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu lợi và chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn; Xuất huyết nội tạng được biểu hiện ở cơ quan tiêu hóa, phổi, não... và được xem là dấu hiệu nặng, nguy hiểm.
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim; những biểu hiện tình trạng nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!