Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay, chỉ tính riêng bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đã xảy ra 84 vụ ngộ độc, làm 6.059 người phải nhập viện. Điều này khiến công nhân không khỏi hoang mang, lo lắng .
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra ở bếp ăn tập thể thời gian gần đây.
Thứ nhất, hiện nay đang là thời điểm nắng nóng trong năm, yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, nhất là thực phẩm chế biến sẵn.
Thứ hai, qua giám sát thực tế cho thấy, giá trị khẩu phần ăn của công nhân hiện rất thấp, khoảng 10.000 - 12.000 đồng/suất. Trong số các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ghi nhận được, có tới 70% do mua suất ăn ở nơi khác mang đến. Như vậy, nếu tổ chức chế biến suất ăn tại nhà máy thì tỷ lệ ngộ độc sẽ thấp hơn.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát của tuyến cơ sở như Quận (huyện), Phường (xã) còn rất yếu. Thậm chí, một công ty có 10 bếp ăn nhưng có tới 8 bếp không được phép hoạt động theo quy định pháp luật, nhưng đến tận khi xảy ra ngộ độc tập thể thì đoàn kiểm tra liên ngành tại cơ sở mới phát hiện ra.
Trước một số nguyên nhân trên, ông Nguyễn Thanh Phong cũng nhấn mạnh về giải pháp tăng giá trị suất ăn của công nhân lên, để đảm bảo chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, công nhân lại thường không đồng tình, vì khi tăng giá trị suất ăn thì thu nhập của họ lại giảm xuống. "Đây là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động nên cơ quan chức năng không thể can thiệp biện pháp hành chính, mà chỉ có thể vận động, tuyên truyền" - ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh thêm.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.