Nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận những trường hợp bị rắn độc cắn như trường hợp nam thanh niên ở trọ trong một căn nhà tại phường Phương Sài, thành phố Nha Trang không may bị rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà và cắn vào chân.
Ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương trên cả nước, một tháng trở lại đây, đỉnh điểm mùa mưa cũng là lúc, nhiều người bị rắn độc cắn. Nhiều nhất là rắn lục đuôi đỏ.
Tại những khu dân cư, cứ vào mùa mưa, cây cối quanh nhà lại trở nên um tùm. Đi lại trong vườn, khó ai biết được có rắn độc hay không. Có trường hợp, rắn độc bò vào tận nhà, rủi ro lại càng khó lường.
Theo các bác sĩ, nhiều trường hợp bị rắn độc cắn, khâu sơ cứu, xử lý ban đầu thường không đúng cách và điều này không chỉ đe dọa đến tính mạng mà còn khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp.
''Không nên dùng ga rô băng chặn hoàn toàn mạch máu vì gây hoại tử, khiến nặng hơn. Không rạch, châm vào vết cắn sẽ làm tổn thương, gây nhiễm trùng. Không hút nọc độc bằng miệng vì không giúp ích nạn nhân, gây nguy hiểm'', bác sĩ khuyến cáo.
Để dự phòng rắn cắn, điều cần làm ngay là phát quang bụi rậm, dọn dẹp sạch sẽ tránh để rắn có nơi trú ngụ gần nhà. Đối với những người làm việc tại khu vực có nguy cơ rắn độc thì mang ủng cao, quần áo dài, đội mũ rộng vành. Đặc biệt, tránh tiếp xúc và đuổi bắn rắn, ngay cả khi rắn đã chết thì đầu rắn vẫn có thể chứa nọc độc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!