Giá trị của Quốc huy Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 02/09/2020 13:56 GMT+7

VTV.vn - Quốc huy Việt Nam là biểu tượng xúc tích về đất nước, con người Việt Nam, hàm chứa khát vọng về sự phát triển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Quốc gia độc lập.

Để có được mẫu Quốc huy như ngày nay, phải kể đến tài năng sáng tạo và lao động miệt mài, nghiêm túc của họa sĩ Bùi Trang Chước. Triển lãm "Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - họa sĩ Bùi Trang Chước", do Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước phối hợp với Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã giúp công chúng hiểu biết thêm về quá trình ra đời, về giá trị của Quốc huy Việt Nam qua hàng trăm phác thảo gốc lần đầu tiên được giới thiệu.

112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết thể hiện quá trình sáng tạo nghiêm túc, công phu trong nhiều năm của họa sĩ Bùi Trang Chước. Bắt đầu từ những hình tượng gắn liền với đời sống lao động của một đất nước nông nghiệp là con trâu, cây lúa, cái đe đến các biểu tượng văn hóa, lịch sử như đền Hùng, Khuê Văn Các, Cột cờ Hà Nội. Trong đó có 15 phác thảo mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10/1954.

Giá trị của Quốc huy Việt Nam - Ảnh 1.

Những bản vẽ chì và những bản vẻ màu với hình ảnh ngôi sao 5 cánh; tên nước Việt Nam trên dải lụa; mặt trời mọc toả những tia nắng, dải lụa mềm mại uốn quanh những bông lúa. Bản vẽ màu ngoài cùng bên phải của hàng trên có ngôi sao vàng 5 cánh, thời gian ngày 2/9/1945 dấu mốc lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; dải lụa đỏ uốn quanh những bông lúa chín vàng và bắp ngô. (Ảnh: Dân trí)

Trong di bút "Tôi vẽ mẫu Quốc huy", họa sĩ Bùi Trang Chước viết: Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Sau khi được Hồ Chủ tịch góp ý: hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể; nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại, họa sỹ đã thay hình ảnh chiếc đe bằng bánh răng công nghiệp.

Trên cơ sở đó, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã chỉnh sửa một số chi tiết theo ý kiến chỉ đạo của Quốc hội để hoàn thiện mẫu Quốc huy như ngày nay.

Năm 1976, 1 năm sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký, trong đó có ghi: "Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam hình tròn nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", thay vì "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký trong sắc lệnh 1956.

Họa sĩ Bùi Trang Chước, tên thật là Nguyễn Văn Chước. Trong sự nghiệp của mình, ông còn được biết đến là người vẽ tem bưu chính đầu tiên ở Đông Dương, là họa sĩ sáng tạo mẫu bằng khen, Huân chương, Huy chương cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông xứng đáng được tôn vinh với dấu ấn lớn trong sự hình thành Quốc huy Việt Nam. Những sáng tạo đồng hành với sự phát triển đất nước, mang tính biểu tượng của quốc gia, dân tộc và con người Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước