Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh: Bài học lịch sử và giá trị thời đại

Trung Đại-Thứ năm, ngày 03/09/2009 09:44 GMT+7

64 năm trước, với lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng tự do cháy bỏng, toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Độc lập Đồng minh và chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đập tan xiềng xích của đế quốc và phát xít để giành độc lập, tự do, mở ra một trang mới trong lịch sử của dân tộc. Một trang sử của chủ nghĩa yêu nước mới - đó chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh - sự kết hợp giữa truyền thống yêu nước của dân tộc và tinh hoa của thời đại.

Trong những ngày cuối tháng 8 của 64 năm về trước, toàn thể dân tộc Việt Nam đã vùng lên phá tan xiềng xích của đế quốc và phát xít để giành lấy độc lập, tự do. Khi ấy, tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam, không phân biệt lợi ích, không phân chia giai cấp, đã đồng lòng đứng dưới ngọn cờ Việt Minh, dùng gươm, giáo, gậy gộc, cuốc, thuổng… để chống lại xe tăng, và đại bác.

Năm ấy, 1945…

Lịch sử đã chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã đặt niềm tin vào truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, đã khơi dậy lòng yêu nước thương nòi ấy, biến nó thành sức mạnh để giành lấy chính quyền.

Nhà sử học Đinh Xuân Lâm cho rằng, trước Hồ Chí Minh, đã có nhiều cuộc phong trào khởi nghĩa giải phóng dân tộc xuất phát từ truyền thống yêu nước. Nhưng chỉ có con đường mà chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, mới có thể thành công – bởi lẽ, Người đã nhận ra rằng chủ nghĩa dân tộc đã hiện đại hóa mới là động lực chủ yếu của cách mạng.

Ngay từ năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, chủ nghĩa dân tộc là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội phương đông; và đấu tranh giải phóng dân tộc, chứ không phải đấu tranh giai cấp, mới là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.

Và từ lập trường ấy, Người không chỉ vận động toàn dân tộc vùng dậy cướp chính quyền, mà còn tiếp tục kêu gọi được sự đóng góp sức người, sức của của mọi tầng lớp nhân dân để bảo vệ chính quyền non trẻ trước thù trong, giặc ngoài.

Chính quyền nhân dân, những năm ấy, có nhiều người không phải là Đảng viên, có nhiều người là trí thức tư sản, có nhiều người là quan lại của triều đình phong kiến cũ… Chỉ có một điểm chung: tất cả họ, đều yêu nước, và đều ra sức phục vụ Tổ quốc.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã kết hợp với tinh hoa của thời đại, để trở thành một chủ nghĩa yêu nước mới. Đó trước hết là giải phóng dân tộc, nhưng không dừng lại ở giải phóng dân tộc, mà tiến tới thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Bởi thế, ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao ngọn cờ độc lập – tự do – hạnh phúc.

Ra đi tìm đường cứu nước, hành trang của chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là chủ nghĩa yêu nước. Và đến những lời dặn dò cuối cùng đối với Đảng, với nhân dân, người cũng không quên nhắc đến việc giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Trong suốt những năm lãnh đạo đất nước, người đã nhiều lần khích lệ lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Bởi trong tư tưởng của người, mục tiêu của cách mạng Việt Nam, trước hết phải là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, hơn 60 năm trước, dân tộc Việt Nam nhỏ bé và lạc hậu đã đoàn kết đấu tranh giành được độc lập và tự do - một nền độc lập, tự do mà toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, để giữ vững.

Cũng với chủ nghĩa yêu nước ấy, hơn 60 năm sau, những người con của dân tộc Việt Nam vẫn sẵn sàng đổ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tổ quốc mà mỗi tấc đất, đều đã thấm không biết bao nhiêu máu của các thế hệ cha ông.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước