Việt Nam đang trong giai đoạn "già hóa" dân số với tốc độ rất nhanh. Số người cao tuổi càng tăng, áp lực an sinh càng lớn bởi phần lớn người cao tuổi không có tích lũy, không có lương hưu. Theo thống kê có tới 9 triệu người không có lương hưu. Còn khỏe, còn minh mẫn nhưng phần lớn người cao tuổi chỉ loanh quanh làm việc nhà, chỉ có số ít người có việc làm là nhờ còn khỏe và được nơi làm việc cũ tạo điều kiện.
Người cao tuổi rất cần việc làm
Về hưu đã được 3 năm nhưng bà Lê Kim Hòa vẫn mạnh khoẻ và làm việc với năng suất không khác gì so với trước. Tiếp tục đi làm không chỉ giúp bà có thêm một nguồn thu nhập khác ngoài lương hưu mà tinh thần cũng thấy phấn khởi, cảm giác mình còn có ích.
"Chúng tôi còn khỏe cho nên muốn được đi làm và đi làm chúng tôi có thu nhập cao", bà Hòa, nguyên công nhân Tổng công ty May 10 cho biết.
Cũng như bà Hòa, bà Đinh Thị Kim Tuyên vẫn đi làm sau khi nghỉ hưu. Được đến công ty làm việc mỗi ngày, được giao lưu gặp gỡ mọi người cũng giúp cho cuộc sống của bà không bị buồn tẻ, nhàm chán sau khi cầm quyết định nghỉ hưu.
Tại nhà máy, các nhà xưởng đều lắp điều hoà nhiệt độ, người lao động chỉ làm một ca và lương cao hơn mặt bằng chung của thị trường nên đã thu hút nhiều lao động cao tuổi trở lại làm việc. Thay vì tuyển thêm lao động mới, Công đoàn đề nghị lãnh đạo công ty giữ những người đã nghỉ hưu có sức khoẻ tốt ở lại làm việc.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã bố trí dây chuyền cho người về hưu làm việc nhưng chỉ số ít và giới hạn cho người từng làm việc còn tuyển dụng mới người cao tuổi ở bên ngoài vào thì hầu như chưa có.
Dự báo cả nước sẽ có 22,3 triệu người cao tuổi, chiếm 20,4% dân số vào năm 2050. Nhu cầu có việc làm của người cao tuổi ngày càng lớn, kể cả người đã nghỉ hưu cũng rất cần việc làm nhưng thị trường lao động cho người cao tuổi cũng chưa hình thành. Ngoài ra, những rào cản về tâm lý, định kiến xã hội rất khó để họ tìm được việc làm. Chính sách về vay vốn, tạo việc làm cho người cao tuổi cũng còn thiếu.
Rào cản việc làm cho người cao tuổi
Gần 70 tuổi, ông Nguyễn Đức Nhượng (xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) đang điều hành doanh nghiệp sản xuất gạch ngói của gia đình. Ông cho biết tuổi tác cũng là cản trở đáng kể khi ông muốn vay vốn sản xuất vì chuyện người cao tuổi còn làm việc như ông chưa có nhiều. Thực tế, hiện nay, người cao tuổi nếu còn làm việc thì chỉ sử dụng các nguồn lực tự có hoặc vay vốn từ gia đình, người thân để phát triển sản xuất.
Chính vì khó tiếp cận vốn nên những người cao tuổi ở Hoà Bình đã tự thành lập Quỹ để hỗ trợ lẫn nhau vay vốn sản xuất kinh doanh. Nguồn quỹ không lớn chỉ có 150 triệu đồng nhưng đã giúp 20 thành viên có việc làm, có thu nhập và bắt đầu quay vòng vốn cho các thành viên khác.
Theo chỉ tiêu Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025, cả nước sẽ có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với khoảng 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 thành viên là người cao tuổi. Đây sẽ là điểm tựa vững chắc giúp người cao tuổi có thêm nguồn vốn vay để tiếp tục lao động và cống hiến.
Cùng với sự phát triển của y học, tuổi thọ và sức khoẻ của con người ngày càng được cải thiện. Phần lớn những người trong độ tuổi từ 60-70 vẫn khoẻ mạnh và làm việc được bình thường. Do đó, đã đến lúc cần có chính sách về hình thành thị trường việc làm và trung tâm dạy nghề giúp người cao tuổi chuyển đổi nghề nghiệp và khởi nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!