Đóng vai trò điều hòa không khí, giúp môi trường trong lành nhưng nhiều con sông lại ô nhiễm tới mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Đây là thực trạng của không ít con sông tại Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy.
Hiện trạng ô nhiễm sông tại Hà Nội
Bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước sông Tô Lịch. Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên con sông này như lắp bè thủy sinh, xây dựng cống bao. Thế nhưng, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, qua hơn 300 cống xả thải trực tiếp, đến nay, nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh.
Bên cạnh sông Tô Lịch, sông Nhuệ cũng đang dần trở thành con sông "chết" khi đang phải "gồng gánh" gần 2.500 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; khu công nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề.
Sông Tô Lịch mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
Sông Nhuệ cũng đang dần trở thành con sông "chết".
Cách sông Nhuệ không xa, sông Đáy cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối. Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhiều thời điểm, chất lượng môi trường nước sông Đáy thường xuyên thuộc nhóm kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc.
Tuy mức độ ô nhiễm nhẹ hơn, song đời sống người dân ven sông Tích cũng bị ảnh hưởng. Nhiều đoạn chưa được nạo vét, khơi thông dòng chảy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thoát nước. Một dự án đưa nước sông Đà vào sông Tích phục vụ sản xuất đã được triển khai từ năm 2022. Giai đoạn II của dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, song vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Trước đó, dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích được phê duyệt từ năm 2010 song vẫn chưa về đích.
Bất hợp lý tiếp tục cải tạo sông Đáy
Từ năm 2008 - 2016, dự án nạo vét, cải tạo sông Đáy đã được TP Hà Nội triển khai thực hiện trên 2 địa bàn huyện Phúc Thọ và Hoài Đức với mục tiêu đảm bảo dẫn nước về mùa kiệt, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và cải tạo môi trường sinh thái. Thế nhưng, thực tế sông vẫn ô nhiễm.
Tình trạng sông Đáy như hiện nay là do không có nguồn nước lưu thông. Theo thiết kế, kênh để dẫn nước cho sông Đáy phải đảm bảo đủ khả năng cho tàu thuyền trọng tải 200 tấn đi lại được, tuy nhiên khi xây dựng công trình đã không tính toán được sự thay đổi mực nước sông Hồng.
Kênh dẫn vào sông Đáy, con kênh được đào để dẫn nước từ sông Hồng thế nhưng đáy của kênh còn cao hơn cả mặt nước sông Hồng. Từ lúc xây dựng đến nay rất ít khi cống điều tiết nước có cơ hội được hoạt động.
Có 2 dự án đã triển khai với mục tiêu làm sống lại dòng sông Đáy: Một là, cụm công trình thủy lợi Hát Môn - đập Đáy với nhiệm vụ lấy nước từ sông Hồng để từng bước khôi phục dòng chảy của sông Đáy. Tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Hai là dự án nạo, vét cải tạo sông Đáy đoạn từ đập Đáy đến Mai Lĩnh, triển khai đến năm 2016 thì tạm dừng vì chưa bố trí tiếp được nguồn kinh phí. Số tiền đã triển khai khoảng 350 tỷ.
Như vậy, gần 1.000 tỷ đã được đầu tư cho sông Đáy. Với số tiền đầu tư cải tạo, nạo vét không hề nhỏ, sau nhiều năm chờ đợi, giờ đây có thể thấy sự lãng phí khi nhìn sông Đáy ngày càng ô nhiễm và tồi tệ hơn.
Khi Cụm công trình thủy lợi Hát Môn - đập Đáy hoàn thành, thực tế đã cho thấy không dẫn được nước vào sông Đáy nhưng tại thời điểm đó, công tác nạo vét, cải tạo sông Đáy vẫn được triển khai, thậm chí đến năm 2014 còn điều chỉnh, mở rộng dự án.
Đến năm 2016, khi chưa bố trí tiếp được nguồn kinh phí thì mới dừng. Hiện nay, Hà Nội lại đề nghị tiếp tục triển khai dự án và nguồn đầu tư còn lớn hơn rất nhiều trong khi điều cốt lõi là nguồn nước nào dẫn vào để khơi thông cho sông Đáy thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công tác cải tạo, nạo vét sông Đáy ở đoạn tiếp theo của dự án trước đây còn chưa làm xong ở huyện Hoài Đức, đồng thời mở rộng đến Ba Thá thuộc huyện Mỹ Đức. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cải tạo, nạo vét sông Đáy sẽ tiếp tục gây lãng phí là điều đã nhìn thấy trước.
Giải pháp căn cơ để hồi sinh lại sông Đáy là nguồn nước dẫn vào sông. Các chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ lợi cho rằng cần phải tập trung nghiên cứu nguồn dẫn nước trước khi đi cải tạo, nạo vét.
Gần 1.000 tỷ đồng đã nằm ở đáy sông, nếu không có cách làm khác, giải pháp hiệu quả hơn thì không biết sẽ có bao nhiêu tiền nữa lại tiếp tục đổ xuống đáy sông. Còn người dân thì vẫn mãi một giấc mơ dòng sông hồi sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!