Khi nào có thể hồi sinh các dòng sông "chết"?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 19/01/2023 05:07 GMT+7

VTV.vn - Theo ghi nhận, ngày càng nhiều những dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt như Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải… gây ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng là cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Nhiều năm qua, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các lưu vực sông ở khu vực phía Bắc (lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu) và phía Nam (lưu vực sông Đồng Nai), gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sống trên lưu vực và sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt.

Việt Nam có gần 700 sông, suối, kênh, rạch, thuộc 16 lưu vực sông chính. Phần lớn các đô thị ở Việt Nam tập trung dọc theo các sông lớn, vì thế nhiều lưu vực sông chịu sự quản lý chung của nhiều địa phương. Câu chuyện quản lý ở đây lại bao gồm nhiều yếu tố, như quản lý tài nguyên nước, đảm bảo môi trường, vận hành các công trình thủy lợi… Sự chồng chéo trong quy định của luật cho đến chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Ở miền Bắc, miền Trung là hạn hán và lũ lụt, ngập mặn, còn Nam Bộ là tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn, càng làm cho tình trạng ô nhiễm các con sông thêm thách thức. Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, trong đó một nhiệm vụ quan trọng là cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Quy hoạch tài nguyên nước hướng đến 6 vùng phát triển kinh tế - xã hội và theo 13 lưu vực sông lớn. Mục tiêu đến năm 2025, tất cả lưu vực sông lớn có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Nhờ đó sẽ bảo vệ, kiểm soát tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước; khắc phục tình trạng hạn hán.

Quy hoạch cũng nêu rõ, đến năm 2025, cần nâng tỷ lệ dùng nước sạch trong sinh hoạt là 95% -100% với dân cư đô thị, 65% với dân số nông thôn, giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống 10%. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới.

Đã có nhiều giải pháp giải cứu sông hồ thời gian qua, như: làm cống, trạm bơm, nạo vét bùn, kè bê tông toàn bộ sông hồ, xây dựng nhà máy xử lý nước thải… Tuy nhiên phải thừa nhận rằng những nguồn lực đầu tư chưa thấm vào đâu so với thực trạng ô nhiễm. Trong khi nguồn lực ngân sách không thể đủ lớn, rất cần cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư, huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Và quan trọng là cơ chế làm sao để đủ hấp dẫn, đủ khuyến khích các nguồn lực xã hội, bởi sớm nhanh chóng hồi sinh các dòng sông thì cũng là sớm đem lại cuộc sống tốt hơn cho hàng triệu người dân sinh sống trong các lưu vực sông này.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã tham gia bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước