Việc chậm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là khoảng 4.000 tỷ đồng. Điều này đã khiến hơn 213.400 người bị ảnh hưởng quyền lợi, vì vậy cần có giải pháp chấm dứt tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hai năm đóng cửa vì dịch bệnh khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Sản xuất đứt đoạn do thiếu nguồn cung nguyên liệu, doanh thu giảm sâu, không đủ cả khả năng cân đối tài chính dẫn đến tình trạng nợ BHXH kéo dài. Doanh nghiệp đã chuyển sang chủ mới, thành lập pháp nhân mới, một số công nhân sang làm ở doanh nghiệp mới nhưng các khoản bảo hiểm xã hội cũ vẫn treo ở đó
"Nếu nhà nước có nguồn vốn tạo điều kiện cho vay ưu đãi hỗ trợ để doanh nghiệp xử lý tài chính thì tốt", ông Nguyễn Chí Nghĩa, đại diện Công ty CP Sản xuất Sunflowers, Mê Linh, Hà Nội, chia sẻ.
Việc chậm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: ĐCS)
Nhiều doanh nghiệp nhà nước chuyển sang cổ phần hóa được khoanh nợ để thành lập pháp nhân mới. Trên nguyên tắc họ không phải trả các món nợ của bảo hiểm xã hội với người lao động. Số nợ của các doanh nghiệp phá sản thực chất không đòi được, nên cần xóa bỏ trong bản cân cân đối kế toán và cũng cần có cơ chế đặc biệt để giải quyết cho người lao động.
"Doanh nghiệp đã thoái thác và phá sản nên trong quá trình làm việc, doanh nghiệp đã đóng thuế cho nhà nước. Do đó, bản thân người lao động sẽ bị nợ lương, nợ BHXH, nên tôi nghĩ nhà nước cần chung tay xử lý", ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có những điều khoản quy định rất chặt chẽ, tránh việc để nợ BHXH kéo dài, giảm tối đa tình trạng phức tạp như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!