Chúng ta hiện đang hướng đến các doanh nghiệp với trách nhiệm của họ thông qua chính sách "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (còn gọi là EPR). Trách nhiệm này bao gồm việc phải xử lý, thu gom và tiến tới tái chế bắt buộc vào tháng 1 năm sau đối với những doanh nghiệp có sản phẩm bán cuối cùng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, lộ trình để đi vào thực thi hiệu quả hiện vẫn còn đang có một số vấn đề cần phải giải quyết.
Gần 400 tỷ đồng thuộc trách nhiệm xử lý bao bì nhựa của các doanh nghiệp đã được thu về Quỹ bảo vệ môi trường. Nhưng cho đến nay, số tiền này vẫn chưa thể sử dụng do còn phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Còn về trách nhiệm bắt buộc tái chế bao bì nhựa phải thực hiện từ 1/1/2024, doanh nghiệp vẫn còn thấy khá lúng túng khi thiếu thông tin.
Liên minh tái chế bao bì Việt Nam là mô hình đầu tiên được thành lập để doanh nghiệp có thể ủy quyền thực thi trách nhiệm tái chế. Mục tiêu là giảm bớt chi phí. Tuy vậy, mô hình này hiện cũng chưa có được tư cách pháp nhân. Đây chỉ là một trong nhiều bước thực thi cần thiết để thực hiện chính sách mà đến giờ vẫn còn chậm.
Tỷ lệ tái chế được yêu cầu theo luật là từ 7- 22%. Nếu các doanh nghiệp thực hiện cơ chế này thì sẽ tạo ra cơ hội cho một ngành công nghiệp tái chế phát triển. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải chuẩn bị để đảm bảo giám sát công bằng cho tất cả các bên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!