Buông lỏng kiểm dịch động vật nhập khẩu ở cửa khẩu
Càng về thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ động vật càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu lợn, trâu bò qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) và Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình).
Để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào nội địa, theo quy định, động vật nhập khẩu phải được kiểm dịch và cách ly lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, nếu an toàn mới được đưa ra thị trường tiêu thụ. Vậy nhưng, thực tế đã diễn ra như thế nào lại là một câu chuyện khác.
Những hình ảnh phóng viên VTV Digital ghi được cho thấy, ngay tại cửa khẩu, công tác kiểm dịch động vật ở vẫn có dấu hiệu bị buông lỏng, chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), mỗi ngày có hàng chục xe lợn nhập khẩu từ Thái Lan qua Lào về Việt Nam. Kiểm dịch là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các xe hàng nhưng công việc này lại có dấu hiệu bị buông lỏng.
20h ngày 21/1, hơn 10 xe lợn nhập khẩu đã dừng đỗ trong khu vực bãi hàng chờ thông quan. Thời điểm các chủ hàng sang tải, chuyển lợn từ xe biển số Lào sang các xe tải Việt Nam bắt buộc cán bộ thú y phải có mặt. Vậy nhưng, trên thực tế hoàn toàn khác.
Khi xe này sắp hoàn tất việc sang tải vẫn chưa thấy cán bộ kiểm dịch nào có mặt. Thế nên, số lợn trên xe có khớp với số lợn trên tờ khai đăng ký nhập khẩu và có dấu hiệu bệnh tật hay không thì khó ai có thể biết được.
Khoảng nửa tiếng sau, một cán bộ kiểm dịch mới xuất hiện. Trước ống kính máy quay, chỉ duy nhất có 1 xe hàng khi sang tải thì cán bộ thú y mới có mặt kiểm soát nhưng cũng chỉ diễn ra trong giây lát. Sau đó, vị cán bộ này nhanh chóng niêm phong kẹp chì cho tất cả các xe lợn trước khi rời cửa khẩu.
Dù thực tế việc kiểm dịch cho hàng loạt lô lợn nhập khẩu diễn ra như vậy nhưng làm việc với phóng viên, đại diện Trạm kiểm dịch động vật ở Lao Bảo vẫn quả quyết là đúng quy trình.
Còn tại cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), mỗi ngày cũng có hàng ngàn trâu bò làm thủ tục nhập khẩu qua đây. Về nguyên tắc, sau khi hoàn tất kiểm tra lâm sàng, toàn bộ số động vật nhập khẩu sẽ được cơ quan kiểm dịch ở cửa khẩu cấp giấy chứng nhận vận chuyển động vật nhập khẩu về nơi cách ly.
Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện có diễn ra chặt chẽ hay không thì chưa dám khẳng định. Vì qua theo dõi, phóng viên phát hiện chiếc xe này vận chuyển bò từ cửa khẩu về nơi cách ly khi giấy chứng nhận đã hết thời hạn. Vì giấy chỉ có hiệu lực đến ngày 22/1 Trong khi ngày vận chuyển là ngày 23/1.
Sai sót này không hề được cơ quan chức năng nào phát hiện ngay cả khi vừa rời khỏi cửa khẩu, đã bị dừng xe kiểm tra khi đi qua chốt kiểm tra lưu động của lực lượng cảnh sát giao thông trên con đường độc đạo
Gian dối cách ly kiểm dịch động vật nhập khẩu
Khi làm việc với phóng viên, đại diện Trạm kiểm dịch động vật Cửa khẩu Cha Lo lý giải, sở dĩ có chuyện doanh nghiệp vận chuyển động vật về nơi cách ly khi giấy chứng nhận đã hết thời hạn là vì động vật nhập khẩu về nhưng doanh nghiệp chưa sắp được tài xế để chở hàng.
Theo quy trình, sau khi hoàn tất các thủ tục, xe chở động vật sẽ rời cửa khẩu và buộc phải di chuyển về địa điểm cách ly đã được cấp phép. Khi xe đến khu cách ly, cán bộ thú y vùng sẽ có mặt ở đó để kiểm tra, giám sát; cho doanh nghiệp đưa lợn hoặc trâu bò vào cách ly.
Tiếp đó, cán bộ thú y sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả không có bệnh, cơ quan thú y vùng sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô động vật nhập khẩu.
Mặc dù quy trình chặt chẽ như vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thông tin báo Lao Động phản ánh, từ đây, hành vi gian dối đưa lợn nhập khẩu đến thẳng lò mổ khi chưa hề cách ly kiểm dịch của một số doanh nghiệp đã bị vạch trần.
Trên giấy tờ, sau khi rời cửa khẩu Lao Bảo, xe tải này phải chở lợn nhập khẩu đến nơi cách ly kiểm dịch ở phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau đó, dù chưa đến địa điểm cách ly, chiếc xe này đã được Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận vận chuyển động vật ra ngoại tỉnh.
Vậy là, bằng tờ giấy này lợn nhập khẩu từ Thái Lan của Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Vinh Phú đã được thay đổi nguồn gốc thành lợn thu gom trên địa bàn rồi ung dung đi thẳng đến lò mổ ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội mà không cần phải làm thủ tục cách ly.
Một lô lợn nhập khẩu khác của Công ty LB Phú Trọng. Theo biên bản, xe tải biển số 90C-052.41 rời cửa khẩu Lao Bảo lúc hơn 22h ngày 12/1 để đưa về khu cách ly tại TP Đồng Hới, Quảng Bình.
Tuy nhiên, vào lúc 8h ngày 13/1, xe tải này đã qua Trạm Kiểm dịch động vật và thủy sản Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với tấm giấy thông hành đi đến lò mổ ở Hà Nam do Chi Cục chăn nuôi và thú y Quảng Bình cấp cùng ngày 13/1.
Chưa rõ có phải cán bộ kiểm dịch cấp bừa giấy kiểm dịch cho lợn nhập khẩu khi chưa cách ly đến lò mổ hay không nhưng theo lãnh đạo Chi Cục thú y vùng III, nguyên nhân sự việc được xác định do có sự gian dối của doanh nghiệp khi đã đánh tráo lợn giữa các lô nhập khẩu khác nhau.
Phóng viên đã thu thập hồ sơ và phát hiện một số lô lợn nhập khẩu khác có dấu hiệu bất thường trong quy trình cách ly và cấp giấy kiểm dịch đến lò mổ của Chi Cục chăn nuôi thú y tỉnh Quảng Bình.
Ví như tờ đăng ký kiểm dịch động vật vận chuyển ra ngoại tỉnh của một doanh nghiệp có thời điểm đăng ký ghi trên giấy là ngày 20/1. Vậy nhưng, điều khó hiểu là doanh nghiệp lại điền đúng thông tin về số giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu được cấp trong ngày hôm sau. Và sơ suất trong vấn đề ghi hồ sơ là lý giải của cán bộ kiểm dịch với lô lợn này.
Sau khi sự việc xảy ra, phía Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Bình và tỉnh Nghệ An đã chấm dứt việc thực hiện kiểm dịch và cấp giấy kiểm dịch đối với 2 cán bộ liên quan, đồng thời chấn chỉnh công tác kiểm dịch động vật vận chuyển ra ngoại tỉnh đối với toàn thể kiểm dịch viên được ủy quyền trên địa bàn.
Tiêu thụ 400 con lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch, một doanh nghiệp bị khởi tố
Trong một diễn biến khác, mới đây, một doanh nghiệp khác đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, Cục Hải quan Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vì có hành vi tự ý tiêu thụ 400 con lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch ra thị trường.
Công ty TNHH tư vấn đầu tư và phát triển Bắc-Trung-Nam, trụ sở ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tự ý tiêu thụ 400 con lợn nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2,8 tỷ đồng. Xác định hành vi trên có dấu hiệu phạm tội buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190, Bộ Luật hình sự, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo đã chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Minh Hóa để tiếp tục làm rõ hành vi sai phạm của cá nhân, tổ chức liên quan.
Kiến nghị thay đổi bất cập trong việc cách ly động vật nhập khẩu
Theo quy định hiện nay, nơi cách ly kiểm dịch động vật nhập khẩu của doanh nghiệp do Cục Thú Y thẩm định cấp phép, chỉ cần đủ điều kiện chứ không hề giới hạn khoảng cách. Vậy nên mới có tình trạng nơi cách ly kiểm dịch cách nơi làm thủ tục nhập khẩu hơn 700 km như trường hợp của Công ty TNHH đầu tư và xuất nhập khẩu Vinh Phú. Lỡ không may, lô hàng có mầm mống dịch bệnh thực sự là điều đáng lo ngại vì có thể lây lan dịch bệnh trong suốt quãng đường di chuyển…
Xét cho cùng, mục đích cuối cùng của việc cách ly kiểm dịch động vật nhập khẩu là để giảm thiểu tối đa yếu tố nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào trong nước. Vì những thiệt hại khi dịch bệnh tàn phá có lẽ những người chăn nuôi trong nước là những người thấu hiểu nhất.
Khi dịch tả lợn châu Phi ở một số địa phương trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại thì những ngày gần đây, tỉnh Hà Tĩnh lại phải đối phó với bệnh lạ viêm da nổi cục ở trâu bò.
Sau một thời gian xuất hiện, dịch bệnh này đã lan rộng trên địa bàn tỉnh. Do chưa có thuốc đặc trị nên những người chăn nuôi giờ như đang ngồi trên đống lửa vì lo lắng thiệt hại có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Hà Tĩnh: Dịch bệnh lạ khiến nhiều trâu bò chết
Cuối tháng 12/2020, một trong 4 con bò của gia đình bà Bốn có dấu hiệu bỏ ăn, nóng, khô mũi. Sau ít ngày bò bị nổi cục trên da rồi chết, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Hiện 3 con còn lại không có biểu hiện bệnh nhưng bà cũng rất lo lắng, vì đây là cả gia tài đáng giá nhất của gia đình.
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò xuất hiện tại Hà Tĩnh vào ngày 15/12/2020. Đến nay, đã có 237 con trâu bò trên địa bàn bị mắc bệnh, trong đó có 11 con bị chết. Do bệnh viêm da nổi cục là loại bệnh mới, chưa có thuốc điều trị nên công tác dập dịch còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh tập quán chăn nuôi trâu bò thả rông tại hầu hết các địa phương, tình trạng vận chuyển, giết mổ gia súc tăng cao vào dịp cuối năm càng khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, gây nguy cơ lây lan rất cao. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, thiệt hại cho những hộ chăn nuôi khó có thể đong đếm được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!