Việt Nam đã đề ra Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 với các mục tiêu:
- Bảo đảm các vấn đề về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục ở các vùng, miền.
- Tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
- Tăng cường năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.
Các nghiên cứu xã hội chỉ ra rằng, khi bàn về bình đẳng giới thì ở khu vực thành thị có những chuyển động lớn hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Tuy nhiên, sự tuyên truyền tích cực và nhiều phong trào ở địa phương cũng đang tạo nên một thế hệ phụ huynh tư duy hướng ngoại, coi trọng việc học của con hơn, kể cả con trai hay là con gái, với hy vọng rồi con sẽ thoát được cuộc sống vất vả trên ruộng nương như cha mẹ.
Giáo dục bình đẳng giới trong trường học vùng cao
Triệu Kim Ngân đang học lớp 5 trường TH&THCS Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ngoài thời gian đi học, hàng ngày, em chủ động làm việc nhà. Với Ngân, việc nhà không hẳn là trách nhiệm của con gái lớn trong nhà mà còn là cách em chăm sóc bà và bố. Cậu em trai cũng tự giác làm việc nhà cùng chị.
"Em bé hơn làm việc nhỏ hơn, còn con lớn hơn thì làm việc lớn hơn. Ông bà và bố chiều cả hai chị em như nhau. Ước mơ của con là làm giáo viên phải học thật giỏi để đạt được ước mơ", Ngân chia sẻ.
Anh Triệu Văn Quỳnh (bố của Kim Ngân) cho biết: "Mình mơ ước nhiều thứ nhưng sau này để xem các con có khả năng học hết lớp hay không cơ. Nếu học hết lớp thì tính tiếp".
Ngân ý thức được rằng để đạt được ước mơ sau này trở thành cô giáo thì em phải cố học chăm và giỏi. Ở trường em cũng tham gia rất nhiệt tình vào các hoạt động ngoại khoá. Tuần trước, trường của em đã thành lập Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" - một trong những hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Câu lạc bộ được kỳ vọng sẽ tạo cảm hứng cho các học sinh chủ động thể hiện bản thân trong mọi hoạt động.
Trao cơ hội cho các bé gái được thể hiện mình nhiều hơn, ngoài việc học trên lớp là mục tiêu ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực thực hiện một cách dễ tiếp nhận nhất đối với đồng bào địa phương - nơi cuộc sống của phần lớn người dân vẫn còn khó khăn.
Hiện nay, nội dung bình đẳng giới được lồng ghép vào chương trình học phổ thông. Ngoài giờ lên lớp, các cô giáo cũng phải bổ trợ thêm các tiết học ngoại khóa để gần gũi hơn với các học sinh, tạo môi trường cho các em học sinh vùng cao, nhất là trẻ em gái hòa đồng hơn và mạnh dạn hơn trong quá trình học tập, cũng như là trong cuộc sống.
Còn ở thành thị, ngày càng nhiều gia đình trẻ mà ở đó hai vợ chồng cùng chia sẻ trách nhiệm việc nhà. Họ không còn suy nghĩ khi chồng làm việc nhà là đang giúp vợ, coi công việc đó vẫn là của vợ. Họ làm việc nhà bởi đó là trách nhiệm chung của cả vợ và chồng và khi đó, bố mẹ là tấm gương để những đứa trẻ học được những bài học sinh động và quý giá về bình đẳng.
Giáo dục bình đẳng giới cho trẻ từ gia đình
Bữa tối là thời gian đông đủ nhất của gia đình anh Nguyễn Xuân Trường và chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng vào thời gian này, chị Hạnh thường bận bán hàng trên mạng nên việc đưa đón, tắm rửa cho các con và nấu ăn cho cả nhà phần lớn là do chồng chị đảm trách.
Việc chồng đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhiều hơn vợ không còn là chuyện hiếm thấy trong các gia đình trẻ ở các đô thị, nơi cả vợ và chồng đều bận rộn với công việc riêng của mình. Trách nhiệm kinh tế được chia sẻ thì họ cũng không còn đặt nặng việc nhà theo những chuẩn mực cũ như thời ông bà, cha mẹ mình.
Các chuyên gia tâm lý đồng thời cũng là tác giả của những công trình nghiên cứu về Giới cho rằng: nhận thức về giới, hay ý niệm về giới trong gia đình có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Thói quen của anh Trường trong gia đình hiện nay đã được hình thành từ những gì anh thường xuyên được thấy khi còn nhỏ.
"Gia đình tôi có thói quen giúp đỡ phụ nữ việc nhà từ thời ông tôi và bố tôi nên bây giờ tôi cũng thế. Tôi thấy không có gì là nặng nhọc cả", anh Trường cho biết.
Những hành xử mà trẻ nhỏ được chứng kiến thường xuyên và thực hành từ nhỏ là yếu tố chủ đạo hình thành tính cách của trẻ trong tương lai. Vì vậy, hành xử bình đẳng của cha mẹ trong gia đình lâu dần sẽ trở thành hành động xuất phát từ trái tim của trẻ, những công dân văn minh trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!