Thông tin người đàn ông tử vong do không được qua chốt kiểm soát đi khám là sai sự thật
Một trong những vụ việc đáng chú ý mà nhiều trang mạng xã hội bàn tới ngày 6/9 là trường hợp 1 người đàn ông ở thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội bị tử vong vì viêm ruột thừa trong khu vực cách ly y tế và được cho là do không được qua chốt kiểm soát để đi cấp cứu.
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì, ngày 2/9, anh Nguyễn Huy Dũng có triệu chứng đau bụng dữ dội. Ngay lập tức, tổ y tế của thôn đã đến khám và kết luận anh Dũng bị viêm dạ dày do bệnh nhân từng có tiền sử bệnh này. Bác sĩ hướng dẫn anh sử dụng thuốc tại nhà.
Sau đó, sức khỏe của anh có khá hơn nhưng đến ngày 5/9 lại chuyển biến nặng, hôn mê sâu, nên tổ y tế đã chuyển bệnh nhân đi cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. Vợ anh Nguyễn Huy Dũng khẳng định thông tin chính quyền không cho gia đình đi khám là không đúng sự thật.
Thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, nơi gia đình anh Dũng sinh sống là khu vực cách ly y tế từ ngày 27/7 do phát hiện 130 ca dương tính với COVID-19.
UBND huyện Thanh Trì đã đặt 1 tổ y tế gồm các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đa khoa Thanh Trì trực 24/7 để hỗ trợ công tác y tế tại địa phương. Gần 60 ca bệnh đã được tổ này thăm khám, chuyển cấp cứu 3 ca. Với những trường hợp bệnh nặng, có yêu cầu thăm khám tại bệnh viện, tổ này sẽ cấp 1 giấy giới thiệu để bệnh nhân có thể đi qua chốt kiểm soát.
Tại thời điểm phóng viên VTV có mặt tại chốt kiểm soát của thôn Thọ Am, có 2 trường hợp đi khám có đầy đủ giấy tờ đều được cán bộ trực tại chốt cho phép đi qua.
Trong báo cáo gửi lãnh đạo Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì khẳng định các chốt phòng dịch không ảnh hưởng tới việc tiếp cận y tế của người dân.
Rườm rà thủ tục xin giấy đi đường
Hà Nội đang bước sang đợt giãn cách xã hội lần thứ 3 với những biện pháp quyết liệt hơn, tận dụng thời gian vàng để khống chế và sớm đẩy lùi dịch bệnh. Những kịch bản được đưa ra phải đảm bảo không xáo trộn cuộc sống của người dân và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt khám chữa bệnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra và nhắc nhở người ra đường tại chốt kiểm soát phố Trần Nhật Duật hướng lên cầu Chương Dương kiểm soát người và phương tiện sáng 6/9/2021. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Ngày 8/9, Hà Nội sẽ áp dụng giấy đi đường có mã QR code theo quy định mới. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VTV, tới thời điểm này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa thể xin được giấy đi đường dù tất cả đều là "thiết yếu".
Chị Thuý có bầu 3 tháng. Vì ngại thời điểm dịch bệnh đến bệnh viện đông người, chị thường đến phòng khám tư để khám thai định kỳ. Công ty của chị hiện chưa được cấp giấy đi đường và việc phải đi qua 3-4 chốt kiểm dịch với chị rất khó khăn ở thời điểm này.
Phòng khám thai sản này, ngoài việc cán bộ công an phường cho rằng phương án cho cán bộ nhân viên luân phiên đi làm ngày chẵn lẻ, mỗi ngày có 30%-50% nhân viên đi làm là chưa hợp lý. 2 ngày qua, phòng khám cũng 3 lần phải thay đổi biểu mẫu xin cấp giấy đi đường theo hướng dẫn nhưng tới giờ vẫn chưa nhận được xác nhận có được cấp giấy đi đường hay không.
Còn 1 đơn vị kinh doanh vật tư thiết bị y tế 3 ngày nay cũng rơi vào tình cảnh vướng mắc khi nộp hồ sơ tại công an phường. Có hơn 30 nhân viên nhưng phải phân thành 3 nhóm để xin cấp giấy đi đường ở 3 nơi là Công an phường, Sở GTVT và Sở Y tế. Và họ cũng chưa được xác nhận là có được cấp giấy đi đường hay không.
Quy định mới về giấy đi đường của TP Hà Nội với mục tiêu hạn chế người ra đường không cần thiết, nhanh chóng khống chế dịch COVID-19. Thế nhưng trong quá trình thực hiện lại đang tạo ra nhiều cản trở, vướng mắc đối với người dân và doanh nghiệp.
Công an phường Văn Quán, quận Hà Đông gấp rút tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ của các cá nhân, đơn vị có nhu cầu cấp giấy đi đường theo mẫu mới. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Đến thời điểm này, dù đã rất cố gắng nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn thành việc đăng ký, trong khi sáng 8/9, Hà Nội sẽ áp dụng giấy đi đường có mã QR code theo quy định mới.
Có thể thấy, việc di chuyển giữa các địa phương, thậm chí giữa các quận - huyện trong cùng một địa phương có lẽ chưa bao giờ cần nhiều loại giấy tờ thủ tục như hiện nay. Đây là điều tất yếu trong điều kiện dịch bệnh.
Xung quanh tấm giấy đi đường, đã có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có thể phản đối nhiều hơn ủng hộ. Những bất cập nhất thời cũng khó tránh khỏi, bởi đây là câu chuyện chưa có tiền lệ. Các địa phương, các đơn vị cũng luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân để có những thay đổi tích cực hơn.
Phú Yên không yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19 kèm giấy đi đường
Đầu tháng 9, thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên yêu cầu người dân ra đường phải có giấy đi đường kèm giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, địa phương cũng không cấp giấy đi đường trong khoảng từ 18h đến 6h hôm sau, trong khi nhiều công nhân tăng ca cần đi lại trong khung giờ này. Quy định mới đã khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Trước tình trạng này, Công an tỉnh Phú Yên đã ký công văn hỏa tốc tạm hoãn áp dụng quy định về giấy đi đường mới trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đà Nẵng cấp giấy đi đường bằng mã QR code
Đà Nẵng kiểm tra giấy đi đường của cá nhân, đơn vị bằng mã QR Code. Ảnh: TTXVNTại Đà Nẵng, giấy đi đường mới được cấp bằng mã QR Code, tạo thuận lợi cho người đi đường, hạn chế việc tập trung đông người tại các chốt kiểm soát. Quy trình cấp giấy cũng được hiện đại hóa theo hướng nhanh gọn hơn, thời gian chờ đợi ngắn hơn.
Thử nghiệm quét mã QR bằng camera tại TP Hồ Chí Minh
Để đảm bảo cho việc khai báo di chuyển nội địa được thực hiện đầy đủ, an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm ở các chốt kiểm dịch, công an TP Hồ Chí Minh đã thử nghiệm quét mã QR khai báo di chuyển nội địa tự động bằng camera.
Tại chốt kiểm soát, người dân chỉ cần đưa mã QR trước camera. Cán bộ trực sẽ kiểm tra thông tin và cho qua nếu đúng như trong khai báo và trên giấy tờ hoặc yêu cầu quay đầu. Việc quét mã cũng đã giúp phát hiện ra nhiều trường hợp F0 ra đường.
Rõ ràng là đã có sự lắng nghe, sự cải thiện từ chính quyền các địa phương trong việc cấp và kiểm soát giấy đi đường. Chúng ta đã từng gặp hình ảnh hàng dài người chờ cấp giấy đi đường, có người phải xếp hàng vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nghĩ đến những cán bộ cảnh sát, công an, họ thậm chí có đến vài ngày phải làm 24/24 để phục vụ cấp giấy cho người dân, hay là đứng tại các chốt kiểm soát.
Ai cũng có những khó khăn, vất vả. Quan trọng nhất là chúng ta khắc phục những khó khăn ấy để sớm đẩy lùi dịch bệnh để có những giải pháp mang tính linh hoạt phù hợp với thực tế cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!