Sau những năm tháng chấp hành án phạt tù, trở về địa phương nhiều người mang trong lòng sự tự ti, mặc cảm. Để xóa bỏ những rào cản vô hình ấy, nhiều mô hình hay đã xuất hiện, vừa giúp họ phát triển kinh tế, vừa có thêm động lực làm lại cuộc đời.
Như tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, 15 năm qua, hơn 200 người, tương đương 1/3 số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được vay vốn từ quỹ "Doanh nhân với an ninh trật tự" để học nghề, kinh doanh, ổn định cuốc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ tái phạm đã giảm một nửa so với thời điểm trước khi mô hình này được triển khai.
Chỉ vài tháng sau khi mãn hạn tù, anh Trần Văn Sùng tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự của địa phương. Với 40 triệu, anh mua máy móc, vật liệu, bắt đầu làm nghề ốp lát đá và các sản phẩm từ đá. Đây là nghề anh đã được học khi ở trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình.
Khi có vốn liếng trong tay, trở thành một chủ doanh nghiệp, anh Sùng tìm cách giúp đỡ những người từng lầm lỡ giống mình.
Nguồn vốn hỗ trợ 55 triệu đồng cũng mở ra một cơ hội mới cho chị Anh cùng cả gia đình. Nhà ngay gần trường học, từ số tiền vay được chị bán đồ ăn sáng rồi mở thêm tiệm tạp hóa. Công việc kinh doanh ngày một tốt dần lên, xua tan những hoài nghi khi mới bắt đầu.
Mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" ở Nga Sơn, Thanh Hóa ra đời cách đây 15 năm. Hơn 300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện tham gia góp quỹ để giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, tạo công ăn việc làm, thoát nghèo và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Giờ đây, mô hình được kiện toàn lại để có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho cả các cá nhân và doanh nghiệp.
Với nhiều người, khoản vốn vay ban đầu không chỉ đơn giản là sự hỗ trợ về tài chính. Hơn tất cả, được quan tâm, tin tưởng, họ có thêm nghị lực để tìm lại cuộc sống bình yên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!