Năm 2022, sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phục hồi, tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng điểm đến "An toàn, bản sắc, hấp dẫn".
Cùng với đó Ngành văn hóa Hà Giang đã đẩy mạnh các hoạt bảo tồn, đổi mới, nâng cao chất lượng liên kết phát triển du lịch và đạt được nhiều kết quả tích cực minh chứng cho tinh thần đoàn kết và nỗ lực bứt phá mạnh mẽ nơi địa đầu Tổ quốc.
Hồng hạc trên sông Nho quế - Địa điểm được du khách vô cùng yêu thích khi tới Hà Giang
Năm 2022, Bộ Văn hóa, TT&DL quyết định công nhận thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Giang đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Cùng với các hoạt động bảo tồn, công tác phát huy vai trò của nghệ nhân, người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được tỉnh chú trọng nhằm nuôi dưỡng những "hạt nhân" gương mẫu, góp phần giữ gìn, trao truyền cho thế hệ trẻ bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.
Hà Giang cũng vừa có thêm 1 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 15 nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đồng thời, đoàn nghệ nhân Hà Giang tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc và Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc đạt 4 giải A, 4 giải B và 4 giải C.
Nỗ lực bảo tồn hướng tới phát triển bền vững, năm 2022, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được Hội đồng mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tái đánh giá lần thứ 3.
Tăng cường quảng bá hình ảnh, tỉnh Hà Giang tổ chức thành công các sự kiện văn hóa tiêu biểu như: Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai; Chương trình Du lịch qua miền di sản Việt Bắc; Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VIII… đã tôn vinh những giá trị đặc sắc, những hình ảnh đẹp về con người, văn hóa truyền thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế.
Đoàn chuyên gia tái thẩm định Công viên địa chất Toàn cầu Unesco khảo sát, đánh giá thực địa tuyến đường thứ 3 “Hành trình đến tự hào và hạnh phúc”.
Lễ hội nhảy lửa của dan tộc Pà Thẻn
Chủ động, linh hoạt, đổi mới công tác truyền thông kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, năm 2022, tỉnh Hà Giang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.
Trong đó, tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; phát động Giải Báo chí của Đảng bộ tỉnh về xây dựng Đảng năm 2022; tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Chuyển đổi số năm 2022…
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, cấp ủy, chính quyền, quân và dân nơi cực Bắc Tổ quốc thống nhất trong nhận thức, đoàn kết trong hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao lần thứ IX năm 2022
Thể dục thể thao Hà Giang trong qua cũng là lĩnh vực để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Tỉnh tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao lần thứ IX năm 2022. Trong chuỗi các hoạt động, lần đầu tiên UBND tỉnh phối hợp với Tổng Cục Thể dục thể thao tổ chức Hội thảo về giải pháp phát triển thể dục thể thao tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035; qua đó, tạo tiền đề cho bước phát triển mới với mục tiêu: "Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn".
Chú trọng đầu tư, phát triển cho thể thao thành tích cao, thể thao Hà Giang đã thu về những "trái ngọt"; có thể kể đến tại SEA Games 31, tỉnh có 1 huấn luyện viên và 1 vận động viên tham gia Đội tuyển môn Bóng ném nữ quốc gia và đạt huy chương Vàng. Tại ASEAN Pragames lần thứ 11 Hà Giang đạt 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng, góp phần nâng tổng sắp huy chương cho đội tuyển quốc gia và mang vinh quang về cho Tổ quốc. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX, đoàn vận động viên Hà Giang đã đạt 4 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng...
Giải trình diễn, thi đấu ô tô, mô tô lần thứ III
Giải Marathon chạy trên Cung đường hạnh phúc
Theo định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, "du lịch thể thao, mạo hiểm" được xác định ưu tiên phát triển tại các địa bàn có địa hình đa dạng như vùng rừng núi phía Bắc.
Tận dụng thế mạnh về địa hình và triển khai định hướng này, tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thể thao mạo hiểm kết hợp du lịch, mở ra hướng đi mới nhiều tiềm năng. Nối tiếp thành công sau nhiều năm triển khai, năm 2022, nhiều giải thể thao mạo hiểm được tổ chức thành công như: Giải marathon quốc tế chạy trên cung đường hạnh phúc; Giải trình diễn xe mô tô ô tô địa hình "Tinh thần đá"; giải đua thuyền Kayaz; trình diễn Khinh khí cầu…
Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Hà Giang đã tích cực thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo mục "tiêu kép phòng".
Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, tăng cường giải pháp thúc đẩy, đổi mới thu hút khách quốc tế, góp phần tạo sinh kế cho người dân. Nhờ đó, lượng khách du lịch tăng mạnh, năm 2022, toàn tỉnh đón 2.268 triệu lượt khách, đạt 150% kế hoạch năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.536 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh. Quan tâm nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch mới, Hà Giang công bố, đưa vào khai thác hiệu quả 7 sản phẩm du lịch mới, tạo tiền đề thu hút khách du lịch.
Đồng thời, có thêm 2 món ăn là thắng cố, thịt lợn cắp nách, 2 sản phẩm quà tặng gồm bánh Tam giác mạch và hồng không hạt Quản Bạ nằm trong Top 100 món ăn và 100 sản phẩm quà tặng của Việt Nam được du khách bình chọn.
Củng cố cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhiều nhà hàng, khách sạn có chất lượng cao, thân thiện với môi trường tại Hà Giang đã được xây dựng. Nổi bật, Khu nghỉ dưỡng H'Mong Vilage tại huyện Quản Bạ vinh dự nhận giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN 2022.
Song song với đó, tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác liên kết trong phát triển du lịch với các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Đồng Bằng Sông Cửu Long, miền Trung và các thị trường du lịch trọng điểm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Trong năm, Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đồng chủ trì; qua đó, có nhiều định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch cho Hà Giang nói riêng và giải pháp hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng trong cả nước.
Với những nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của Hà Giang đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, thúc đẩy các ngành kinh tế, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch giao, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế trọng điểm.
Thời gian tới, nganh Văn hóa, TT&DL Hà Giang quyết tâm phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh nổi bật, tạo sinh kế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ đá, bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!