Sự đa dạng trong kho tàng văn hóa đã và đang tạo ra cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Do vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc đang được tỉnh triển khai đa dạng, tạo đà cho du lịch phát triển bền vững.
Trong 19 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc Mông tại Hà Giang có tỷ lệ lớn, cùng với đó có nhiều dân tộc thiểu số khác như: Tày, Dao, Pà Thẻn, Lô Lô, Giáy, La Chí, Pu Péo, Phù Lá… Mỗi dân tộc mang những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo cho Hà Giang bản sắc vùng miền độc đáo và phong phú.
Sự đa dạng, bản sắc riêng có được thể hiện thông qua các lễ hội truyền thống như: Nhảy lửa, Cấp sắc, Bàn Vương, Gầu Tào, lễ cúng cầu mưa, cầu mùa…
Lễ hội Gầu Tào của người Mông được duy trì tổ chức hàng năm.
Các giá trị văn hóa còn thể hiện đa dạng trong trang phục, nghi lễ, loại hình văn nghệ dân gian, chế tác và sinh hoạt. Với những thuận lợi về cảnh quan tự nhiên, tính nguyên sơ kết hợp với bản sắc văn hóa truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác là những điểm mạnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa. Nhiều năm qua, tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa trên địa bàn.
Nổi bật là các chương trình: Bảo tồn di sản văn hóa, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học; bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống; bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông…
Điệu múa Khèn của người Mông Hà Giang.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết: Với quan điểm lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa. Từ nhận thức xuyên suốt đó, ngành đã tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, vừa tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sở đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, nghị quyết chuyên đề về bảo tồn di sản văn hóa; thường xuyên đôn đốc, giám sát các đơn vị, địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Cùng với đó, quan tâm làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, phát huy giá trị di sản gắn với nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu…
Xác định di sản song hành với phát triển du lịch, ngành Văn hóa Hà Giang đã tiến hành kiểm kê nhận diện hàng trăm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Năm 2022, Hà Giang có 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hoàn thiện hồ sơ 4 di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận. Hà Giang cũng ưu tiên tập trung nguồn lực tổ chức trùng tu, tôn tạo nhiều khu di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Trang phục truyền thống của người dân tộc Lô Lô
Hiện, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia, 61 di sản văn hóa vật thể, 27 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và xếp hạng di sản quốc gia và cấp tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả, bền vững, ưu tiên xây dựng các làng văn hóa theo tiêu chuẩn ASEAN, tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng cộng đồng chất lượng cao và làng văn hóa du lịch kiểu mẫu. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang tập trung bảo tồn 16 làng văn hóa đặc trưng trên tuyến du lịch, xây dựng làng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách nội địa, quốc tế.
Một trong những giải pháp cụ thể bảo tồn văn hóa truyền thống, tỉnh Hà Giang đã và đang phát huy vai trò "hạt nhân" của đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng. Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, những người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đóng góp không nhỏ vào công tác bảo tồn văn hoá.
Đội ngũ này còn phát huy vai trò "truyền lửa" trong truyền dạy các làn điệu dân ca, nhạc cụ, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc cho thế hệ trẻ. Song song với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả việc thành lập, đưa các đội văn nghệ dân gian vào biểu diễn phục vụ du khách.
Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng phát huy giá trị di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có trong phát triển du lịch. Hàng năm, tỉnh duy trì tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Festival Khèn Mông…
Người dân Pà Thẻn, huyện Quang Bình giữ nghề dệt truyền thống.
Không ngừng bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ, tỉnh Hà Giang quan tâm đưa kỹ năng sống và truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học. Mục tiêu đó đã được cụ thể hóa thành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các địa phương cũng ban hành các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống trong trường học.
Các sở, ngành phối hợp xây dựng, ban hành bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa truyền thống vào trường học, đảm bảo học sinh vừa lĩnh hội kiến thức và hiểu thêm về văn hóa địa phương.
Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến nay, tùy vào nét văn hóa của từng vùng miền, các đơn vị trường học duy trì việc truyền dạy các loại hình văn hoá, các nghề truyền thống, làn điệu dân ca, nhạc cụ dân gian cho con em đồng bào các dân tộc... Thông qua đó, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một.
Có thể nói, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã và đang khẳng định thương hiệu, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút, phục vụ du khách đến với Hà Giang.
Trong quý I năm 2023, lượng du khách đến địa bàn đạt hơn 700 nghìn lượt người, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng.
Hà Giang được tờ The New York Times đưa vào danh sách 52 điểm đến toàn cầu năm 2023 với loại hình du lịch mạo hiểm, trải nghiệm.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!