Hà Nam: Nghịch lý mua nước sạch, lại nhận nước bẩn

Anh Tuấn, Vương Cơ-Thứ hai, ngày 19/08/2024 14:16 GMT+7

VTV.vn - Nước sạch nông thôn tại Hà Nam đang gặp vấn đề nghiêm trọng do ô nhiễm sông và công nghệ xử lý lỗi thời.

Việc tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch là nhu cầu chính đáng của mọi người. Đặc biệt, việc đảm bảo nước sạch ở nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tại tỉnh Hà Nam, từ hơn chục năm qua, mạng lưới nhà máy cung cấp nước sạch nông thôn đã được triển khai và duy trì. Mặc dù những nhà máy này đã đóng góp tích cực trong việc thay thế nguồn nước ngầm không đủ điều kiện sử dụng, nhưng thời gian dài hoạt động cùng với nguồn nước sông ô nhiễm đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý chất lượng nước.

Nhằm khắc phục tình trạng này, chị Gấm đã phải dùng khăn giấy bọc vòi nước để lọc cặn bẩn. Chị Trần Thị Cẩm, cùng thôn, kể thêm: "Nước quá bẩn, tôi phải dùng nước mưa để tắm cho con vì nước sạch có giun đỏ".

Anh Vũ Xuân Quang, cũng ở thôn An Bài 1, cho biết: "Nước có mùi hôi nặng, không thể dùng để đánh răng. Dù nước sạch có giá 7.000 đồng mỗi khối, tôi phải chi hết 30 m³ mỗi tháng".

Nhà máy nước sạch Đồng Đu, với công suất gần 4.500 m³/ngày đêm, cung cấp nước cho khoảng 10.000 hộ dân ở 5 xã thuộc huyện Bình Lục. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, ông Phạm Văn Nam, giải thích: "Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng nước bất thường như bồn chứa không được vệ sinh thường xuyên, công trình giao thông làm vỡ đường ống".

Dù vậy, nhiều hộ dân vẫn không đặt niềm tin vào nguồn nước sạch từ nhà máy.

Bất thường kết quả đánh giá chất lượng nước sạch nông thôn

Ngoài Nhà máy nước sạch Đồng Du, theo thống kê của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam, hiện nay trên địa bàn còn có 28 nhà máy nước sạch nông thôn, nằm rải rác tại địa bàn các xã, huyện trong tỉnh. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã chủ trì, thực hiện tốt công tác phòng ngừa đấu tranh xử lí các hành vi vi phạm về hoạt động của các nhà máy nước sạch.

Qua công tác trinh sát, cơ quan công an đã xử lý nhiều vụ việc xả thải, chôn lấp chất thải trái phép. Qua đó, tuyên truyền, yêu cầu nhân dân chấp hành pháp luật bảo vệ tài nguyên nước, nhất là đối với các dòng sông như sông Châu Giang, sông Đáy, sông Sắt. Đây chính là nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước sạch. Từ thực tế còn tồn tại như: ô nhiễm nguồn nước đầu vào; công nghệ lọc nước đã cũ kỹ, lạc hậu.

Công an tỉnh Hà Nam đã kiến nghị Sở Y tế, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên môi trường và UBND Thành phố, các huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan theo trách nhiệm đã được giao đối với từng ngành, từng cấp. Cơ quan công an cũng yêu cầu các nhà máy thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch khi bán nước cho người dân.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các nhà máy nước sạch nông thôn

Trong bối cảnh nguồn nước sông Châu Giang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, việc quản lý chất lượng nước sạch nông thôn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hiện tại, tỉnh Hà Nam có bảy nhà máy nước sạch nông thôn sử dụng nguồn nước sông để cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng nước từ các nhà máy này đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân sống dọc sông Châu Giang, nước sông thường xuyên bị ô nhiễm do nước thải từ các trang trại chăn nuôi tự phát gần bờ. Các trang trại này xả thải trực tiếp ra sông, khiến nước sông biến đổi hoàn toàn, xuất hiện váng và bọt nổi lên mặt sông.

Nhà máy nước sạch Đồng Du, một trong những đơn vị lớn tại địa phương, sử dụng công nghệ lọc đứng và lắng để xử lý nước. Tuy nhiên, công nghệ này đã lỗi thời, gây khó khăn trong việc xử lý hiệu quả nước ô nhiễm. Nhân viên kỹ thuật tại đây cho biết, công nghệ lọc thô sơ và phòng pha chế hóa chất không đạt yêu cầu vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước đầu ra.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, cho biết rằng với nguồn nước đầu vào ô nhiễm, chất lượng nước sạch cung cấp đến tay người dân không đạt yêu cầu. "Chúng tôi phải khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng nước để sinh hoạt, không nên dùng để ăn uống" - ông Nam nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Bác sĩ Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hà Nam, khuyên người dân không nên quá hoang mang. Ông khuyến cáo rằng việc bảo quản và sử dụng nước hợp lý là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe.

Trước thực trạng chất lượng nước sạch của một số nhà máy liên tục gặp vấn đề do nhiều nguyên nhân kể trên, hiện nay phía Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam- đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các nhà máy nước sạch nông thôn đang nghiên cứu, tính toán và đề xuất phương án yêu cầu sử dụng nguồn nước mặt Sông Hồng để thay thế. Tuy nhiên, phương án này đang gặp khó về chi phí đầu tư, đòi hỏi nguồn vốn lớn nên các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước