Nghịch lý có "nước sạch" nhưng... không dám dùng

Hồng Anh, Đình Nguyên-Thứ hai, ngày 12/08/2024 13:44 GMT+7

VTV.vn - Nước sạch nhưng thực tế lại chưa sạch như tên gọi của nó, để rồi nguồn nước vốn để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân dân nay chỉ xếp ở hàng thứ yếu.

Người dân xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình không khỏi lo ngại khi nước máy ngả màu vàng, nước trong bồn chứa đục màu bùn đất, thậm chí người dân tự lắp máy lọc thì chỉ 15 ngày lõi đã chuyển màu đen...

Nghịch lý có nước sạch nhưng... không dám dùng - Ảnh 1.

Nước chảy trực tiếp từ vòi có màu đen thay vì trong suốt.

Sau khi liên tục nhận được phản ánh của người dân về chất lượng nguồn nước không đảm bảo, xí nghiệp nước Nam Trung cũng đã cho người đến kiểm tra. Nhân viên xí nghiệp nước sạch Nam Trung cho biết, sau khi kiểm tra thực tế nước không có vấn đề gì, nguyên tắc là kiểm tra nước tại đầu đồng hồ, còn nước đến bồn nước thì không thể kiểm tra được, có thể do vừa sục bồn, bồn bị hở nên gây ảnh hưởng chất lượng nước.

Tuy vậy, người dân xã Nam Trung vẫn khẳng định nước sạch ở đây đa phần được chứa trong những chiếc bồn kín. Dù lượng nước bơm lên vẫn còn nhiều, nhưng các hộ dân đều sẵn lòng xả bồn để phóng viên có thể trực tiếp quan sát những gì đang có ở bên trong. Nhiều hộ dân khẳng định, do lo ngại về chất lượng nguồn nước, nên việc thau rửa bồn luôn được tiến hành đều đặn. Có những gia đình thực hiện xúc rửa bồn nước 2-3 tháng/lần, nhưng ở đáy bồn vẫn xuất hiện bùn.

Nghịch lý có nước sạch nhưng... không dám dùng - Ảnh 2.
Nghịch lý có nước sạch nhưng... không dám dùng - Ảnh 3.

Lõi lọc mới thay được nửa tháng đã chuyển thành màu đen.

Đơn vị trực tiếp cung cấp nước sạch cho gần 3.000 hộ dân xã Nam Trung là Xí nghiệp nước sạch Nam Trung đã đi vào hoạt động từ năm 2015 và được cơ quan chủ quản là Công ty cổ phần nước sạch Thái Bình đánh giá vẫn đảm bảo được đầy đủ các quy trình và công nghệ để sản xuất nước sạch.

Nước sông Lân chính là nguồn nước đầu vào để sản xuất nước sạch cho các hộ dân ở xã Nam Trung. Sau khi vào nhà máy, nguồn nước này sẽ được đưa vào bể lắng rồi dùng phèn để xử lý độ trong. Lớp bùn lắng sẽ được loại bỏ ra bể chứa phía ngoài bằng máy bơm.

Phần nước trong sau khi được loại bỏ bớt bùn và các tạp chất phía trên sẽ tiếp tục được lọc bằng cát và than hoạt tính dưới đáy bể. Nước thành phẩm sẽ được thêm clo để loại bỏ vi khuẩn trước khi đưa vào sử dụng.

Theo đại diện Công ty cổ phần nước sạch Thái Bình, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước sinh hoạt của người dân không đảm bảo chất lượng. Thứ nhất là do nước đầu nguồn ở sông Lân bị ô nhiễm. Thứ hai là do các đường ống dẫn nước ngầm ở có thể bị nứt vỡ do quá trình xây dựng, làm đường, khiến đất cát và các dị vật bị chui vào đường ống. Và lý do thứ ba cũng có thể là do người dân ít khi vệ sinh bể chứa nước dẫn đến việc bồn nước chứa nhiều cặn bẩn.

Những nguyên nhân trên được đưa ra có thể được coi là hợp lý để lý giải nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm bẩn. Nhưng điều bất hợp lý đối với người dân là tình trạng nước có hiện tượng lạ đã diễn ra trong thời gian dài mà chưa được giải quyết dứt điểm.

Nước bẩn vì đâu?

Nguyên nhân chính được cho là nước đầu nguồn sông Lân không đảm bảo. Thế nhưng ngay tại phòng thí nghiệm của công ty, các chỉ số như độ đục, độ PH, mangan hay sắt của nước đầu nguồn đều trong ngưỡng an toàn. Những con số đạt chuẩn cũng luôn thể hiện tại các bản báo cáo thử nghiệm.

Nghịch lý có nước sạch nhưng... không dám dùng - Ảnh 4.

Nguyên nhân chính được cho là nước đầu nguồn sông Lân không đảm bảo.

Theo ông Đặng Thế Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Bình: "Theo quan điểm của tôi, phản ánh của nhân dân có một phần là đúng, cũng có một phần là thái quá lên".

"Nói như thế không lẽ chúng tôi bốc bùn đưa lên mái nhà bỏ vào à", người dân xã Nam Trung bức xúc nói.

Một người dân khác cho hay: "Tình trạng nước bẩn có mấy năm nay rồi. Ngày xưa thỉnh thoảng họ rửa bể thì nước thoát ra đường mương này là chúng tôi biết. Nhưng lâu rồi không thấy nước xả ra mương".

Tại thời điểm phóng viên có mặt ở địa phương, đúng là nước bẩn chỉ có tại bồn chứa. Còn nguồn nước sạch trực tiếp từ vòi có nơi vẫn ánh vàng, có nơi nước đã trong trở lại. Theo người dân, nguồn nước được cải thiện là do mới đây, xí nghiệp nước sạch vừa đi thông đường ống sau khi lắp đặt đồng hồ mới.

"Thông đường ống rồi thì nước trong. Còn lại trước kia xả ra ở cái đầu đồng hồ thì đen như đất bùn luôn", người dân cho biết.

Vậy là nguồn nước nhìn bằng mắt thường không hợp vệ sinh này có thể được xử lý chứ không phải là bài toán nan giải. Như vậy, sau khi công ty nước sạch tiến hành việc xúc rửa đường ống dẫn nước thì người dân cũng nhận thấy chất lượng nước sạch đã được cải thiện hơn đáng kể.

Nhưng theo người dân, tình trạng nước sạch đóng cặn bẩn và có màu bất thường đã kéo dài vài năm nay, nên họ đã không còn quá tin tưởng vào việc nước sạch sẽ được duy trì ổn định lâu dài. Tự mình đưa ra những giải pháp là cách để nhiều hộ dân thích ứng với việc có nước sạch cũng như không.

Nghịch lý có nước sạch nhưng... không dám dùng - Ảnh 5.

Nước sạch... không được ưu tiên sử dụng

Nghi ngại về nguồn nước sạch nhưng không sạch, có người đã mua bút thử nước để kiểm tra. Theo thông tin về cách đọc chỉ số nước trên bút thử, độ tinh khiết của nước sạch mà người dân đo được chỉ ở mức thấp. Dù chưa biết độ chính xác của thiết bị này đến đâu, nhưng nhiều hộ dân cũng đã không dám dùng nước sạch để ăn uống trực tiếp.

Một người dân cho biết: "Lõi lọc khoảng 100.000 đồng trong khi tiền nước 60.000 - 70.000 đồng. Trung bình 1 tháng nhà em phải thay lõi lọc một lần. Và tiền mua lõi lọc đắt hơn tiền nước hàng tháng nhà em dùng"

Chịu khó thay lõi lọc dù tốn kém nhưng đó là điều không thể làm khác hơn. Nước chuẩn đối với nhiều người dân ở đây chính là nước mưa, họ ăn uống toàn bộ bằng nước mưa còn giặt giũ với tắm là bằng... nước sạch.

Nghịch lý có nước sạch nhưng... không dám dùng - Ảnh 6.

Để trữ nước mưa, có gia đình còn xây tận 2 bể chứa gần 18 khối nước để dùng. Với nhiều người ở đây, nước mưa mới là thiết yếu, còn nước sạch thì không.

- Nước sạch không được sạch nên không dám dùng.

- Chưa bao giờ dám dùng nước máy để sử dụng để làm nguồn nước ăn cả.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, Thái Bình cho biết: "Chúng tôi đã có chất vấn xí nghiệp nước. Các đồng chí cũng có hướng sẽ khắc phục và sửa chữa, vận hành làm sao để đảm bảo nước sạch nhất cho bà con địa phương dùng".

Đảm bảo chất lượng nguồn nước cho người dân là điều chắc chắn phải làm bởi quyền tiếp cận nước sạch vốn là một trong những quyền cơ bản của con người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước