Theo quy định hiện nay, tại Hà Nội, các xe khách tuyến cố định không được chạy xuyên tâm thành phố. Tức là các xe từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội thì chỉ được vào bến xe Mỹ Đình, ở phía Bắc. Còn các xe từ phía Nam tới Hà Nội chỉ được vào các bến xe ở phía Nam như Giáp Bát, Nước Ngầm..
Điều này để hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành. Thế nhưng thành phố Hà Nội đang có ý kiến bỏ quy định hướng tuyến này, để các địa phương chủ động phân luồng, bố trí các xe vào bến.
Đường vành đai 3, Hà Nội với biển cấm xe khách không được phép hoạt động. Thế nhưng, những chiếc xe hợp đồng hoạt động như xe khách tuyến cố định vẫn đi vào bình thường. Sự cạnh tranh không bình đẳng này là một trong những lý do để Hà Nội đề xuất bỏ quy định hiện hành về hướng tuyến với xe khách.
Đề xuất bỏ qui định hướng tuyến với xe khách liên tỉnh còn được cho là tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu đi xe khách. Tuy nhiên với điều kiện hạ tầng giao thông như hiện nay việc làm này khó khả thi. Thực tế các tuyến đường nội đô luôn trong tình trạng quá tải nhất là vào giờ cao điểm. Bỏ qui định về hướng tuyến cũng có nghĩa sẽ gia tăng áp lực về phương tiện trên các tuyến đường và ùn ứ giao thông sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, việc duy trì quy định này là cần thiết để tổ chức giao thông một cách hợp lý. Mặc dù Hà Nội đã đầu tư lớn vào cải tạo hạ tầng, nhưng thực tế cho thấy tốc độ phát triển không theo kịp với gia tăng phương tiện.
Những năm gần đây Hà Nội đã đầu tư lớn xây dựng và cải tạo các tuyến đường vành đai. Nhưng thực tế cũng cho thấy phát triển hạ tầng giao thông không thể theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện. Để hạn chế ùn tắc thì việc làm quan trọng nhất là tổ chức giao thông một cách hợp lý. Đây cũng là lý do các chuyên gia đều cho rằng áp dụng qui định về hướng tuyến với vận tải khách liên tỉnh ở Hà Nội vẫn cần được duy trì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!