Sáng nay (22/5), Ban Thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất (thuộc UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với các hộ dân sinh sống trên ô đất ở số nhà từ 43F - 47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo, để thực hiện dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Đây là biện pháp quyết liệt của chính quyền địa phương, sau một thời gian dài nỗ lực vận động, thậm chí đưa ra đơn giá đền bù cao kỷ lục, nhưng vẫn chưa thể triển khai xây dựng trường học trên khu đất này.
Khu vực bị cưỡng chế thu hồi đất tại số nhà 36A Trần Hưng Đạo. (Ảnh: TTXVN)
8h sáng, công tác an ninh tại khu vực ngã 4 Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo được siết chặt. Một số tuyến đường được hạn chế lưu thông để đảm bảo an toàn cho công tác cưỡng chế, giải phóng mặt bằng đối với 15 hộ dân còn lại tại địa chỉ 43F - 47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo, nhằm nhanh chóng triển khai Dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Cách đây khoảng 1 tháng, một số hộ dân thuê nhà tại khu đất này đã nhận tiền đền bù và chuyển sang khu tái định cư.
"Mình không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ có hợp đồng thuê nhà từ những năm 60, mục đích sử dụng là công ích thì mình ủng hộ", ông Trần An Hải, số 36A phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ.
Dù tất cả các căn nhà trên mảnh đất này đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân thuê lại của nhà nước để sinh sống, nhưng thành phố Hà Nội vẫn hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng để xây trường học với mức giá cao kỷ lục là hơn 300 triệu đồng/m2. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới hơn 163 tỷ đồng, tính trung bình mỗi căn hộ nhận được từ 15 tỷ đồng đến gần 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên cho đến sáng nay, vẫn còn 8 hộ dân không chịu di dời. Thậm chí một người phụ nữ còn khẳng định căn biệt thự Pháp cổ thuộc sở hữu của mình.
"Đất này là đất ở, trong hợp đồng thuê nhà của chúng tôi đất này là đất ở, chính vì vậy chúng tôi không đồng ý bàn giao nhà biệt thự", người phụ nữ nói.
Bằng các biện pháp vận động, thuyết phục, đến khoảng 11h trưa nay, một số người dân còn ở lại trong các căn nhà thuộc diện cưỡng chế đã tự giác di chuyển. Một số đồ đạc người dân còn để lại đã được cơ quan chức năng đánh dấu, niêm phong và di chuyển về quỹ nhà của thành phố tại huyện Đông Anh.
Căn nhà gia đình bà Phạm Thị Trúc (nằm trong số 36A Trần Hưng Đạo) trong diện cưỡng chế. (Ảnh: TTXVN)
Những diện tích đã được giải phóng mặt bằng đều được quây tôn nhằm tránh tình trạng tái lấn chiếm. Khu đất có diện tích hơn 1.200 m 2 là trường hợp hiếm hoi được thành phố Hà Nội áp dụng phương án đền bù theo cơ chế đặc thù.
"Sau khi được thành phố chấp nhận phương án đặc thù, tôi cho là phương án tốt nhất, phương án cuối cùng, quận Hoàn Kiếm cũng đã xây dựng xong và tổ chức đối thoại với người dân", ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay.
Mặc dù nằm giữa trung tâm Thủ đô, có trên 400 học sinh nhưng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phải chia làm 2 cơ sở. Học chung với cơ sở tâm linh, học chung với khu vực nhà dân, trường không có phòng chức năng, không có phòng hiệu bộ… Nhiều năm nay, cả thầy, trò đều dạy và học phân tán tại 2 điểm trường, không đảm bảo không gian, cảnh quan của một môi trường sư phạm. Do vậy, có một ngôi trường mới, đảm bảo chất lượng giáo dục là mong mỏi của cả thầy và trò suốt hàng chục năm nay.
"Nhu cầu của phụ huynh đối với cơ sở vật chất của nhà trường khi xin vào học được họ rất quan tâm, do đó cơ sở vật chất tối thiểu hiện nay nhà trường chưa đáp ứng được", bà Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết.
Ngay sau quá trình giải phóng mặt bằng được hoàn thành vào sáng nay, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu với quy mô 5 tầng nhà và 2 tầng hầm. Đây là dự án trọng điểm của quận giai đoạn 2020 - 2025, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!