Hà Nội đề xuất dịch ga ngầm metro khỏi vùng bảo vệ di tích hồ Hoàn Kiếm

Minh Đức-Thứ năm, ngày 24/03/2022 15:41 GMT+7

VTV.vn - TP Hà Nội đã quyết định đề xuất dịch chuyển vị trí ga ngầm C9 tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 23/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo kết luận về việc xem xét thống nhất vị trí mặt bằng ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm, dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá các ưu, nhược điểm cụ thể của 3 phương án, ý kiến trao đổi thống nhất của Bộ, ngành Trung ương tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội nhận thấy phương án số 3 (phương án bỏ qua ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai) không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, phương án trên sẽ ảnh hưởng đến kỹ thuật chạy tàu, ảnh hưởng đến năng lực vận tải hành khách công cộng, mục tiêu dự án và các tuyến đường sắt đô thị liên quan. Trường hợp ga C9 được xây dựng sau khi dự án vận hành khai thác là hết sức khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, về đảm bảo an toàn hành khách, thời gian thi công kéo dài… dẫn đến chi phí tăng cao. Do vậy, thống nhất không đề xuất theo phương án 3.

Đối với 2 phương án còn lại, là phương án 1 (điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9) và phương án 2 giữ nguyên ga C9 như hiện tại đều có ưu điểm là phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch GTVT Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị H1-1B.

Tuy nhiên, theo phương án 2, phần cơ bản của ga ngầm và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đồng thời, chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Còn phương án 1 đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của các bên.

Từ đánh giá trên, trên cơ sở ý kiến của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GTVT, Xây dựng và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại cuộc họp, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư.

Hà Nội đề xuất dịch ga ngầm metro khỏi vùng bảo vệ di tích hồ Hoàn Kiếm - Ảnh 1.

Cụ thể phương án 1 đề xuất ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m.

Theo UBND TP Hà Nội, nhà ga được thiết kế thành 4 tầng, sảnh chờ, hệ thống bán vé ở tầng 1; tầng 2 và 4 phục vụ đón trả khách; tầng 3 chứa thiết bị.

TP Hà Nội đánh giá, phương án này ít tác động đến khu vực di tích được bảo vệ, song sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tăng diện tích giải phóng mặt bằng, đội chi phí. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 hơn 440 tỷ đồng. Ga xếp chồng 4 tầng có thể gây lún nền, rủi ro xây dựng do đất phủ mỏng.

Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ phải thuê tư vấn thiết kế chi tiết nhà ga C9 (vì đã khác thiết kế ban đầu được duyệt), bổ sung nguồn vốn. Sau đó, sẽ cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo. Tiếp đó, TP Hà Nội sẽ thẩm định và phê duyệt lại rồi tổ chức đấu thầu xây lắp. Ước tính, thời gian để hoàn thành sớm nhất các thủ tục này mất khoảng 12 tháng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước