Hà Nội đi tiên phong trong đầu tư bảo tồn di sản

Kim Ngân, Minh Đức-Thứ ba, ngày 30/05/2023 12:06 GMT+7

VTV.vn - Song song với việc huy động nguồn lực phát triển các cơ sở hạ tầng mới phục vụ công nghiệp văn hóa, Hà Nội cũng nỗ lực để giữ gìn danh hiệu thành phố di sản.

Rất nhiều những dự án bảo tồn cụ thể đã được xúc tiến. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Bộ VH-TT&DL đã thẩm định 260 dự án bảo tồn di tích cho Hà Nội. Đây là con số thẩm định bảo tồn lớn nhất của một địa phương từ trước đến nay. Đây cũng là cách để Hà Nội định vị thương hiệu trong việc thu hút khách du lịch.

Tháng 3 âm lịch năm nay, Lễ hội chùa Láng lần đầu tiên được phục dựng trở lại sau 70 năm, trong đó khôi phục lại đầy đủ các nghi thức cổ truyền, nổi bật là nghi thức "độ hà"- rước kiệu lội sông và "đấu thần"- hội trận độc đáo trong kho tàng lễ hội cổ truyền.

Hà Nội đi tiên phong trong đầu tư bảo tồn di sản - Ảnh 1.

Đây là 1 trong 10 lễ hội đã được thành phố Hà Nội lập đề án phục dựng trong 2 năm qua, góp phần làm sống lại di sản trong đời sống đương đại.

Trước thực trạng nhiều di tích xuống cấp, Hà Nội đã thực hiện cuộc đại tu bổ lớn chưa từng có. Trong 5 năm từ 2021- 2025, thành phố sẽ dành hơn 14.000 tỷ đồng để thực hiện 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, con số lớn gấp hàng chục lần so với các nhiệm kỳ trước đây.

Nhiều di sản đã được thổi luồng sinh khí mới nhờ các tour tham quan mới mẻ hấp dẫn khách du lịch, như Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hà Nội cũng là nơi được lựa chọn thí điểm xây dựng dự án "Tinh hoa làng nghề Việt Nam" tại làng gốm Bát Tràng. Trong tương lai gần, trong hơn 1.300 làng nghề của thủ đô sẽ dần hình thành các không gian sáng tạo, không chỉ giữ nghề xưa mà còn trở thành các điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước