Khoảng 2 tuần gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận số bệnh nhân đến khám do bị kiến ba khoang "đốt" tăng đột biến, trung bình mỗi ngày gần 100 bệnh nhân…
Theo thống kê, mỗi ngày khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Trung ương, tiếp nhận khám cho hơn 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
Bệnh nhân tập trung nhiều ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội. Nhiều trường hợp 2-3 người trong cùng gia đình phải đi khám vì kiến ba khoang. Không ít trường hợp bị tổn thương nặng, đến viện khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên do độc tố của kiến ba khoang.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đay đang thời điểm loài kiến ba khoang đang phát triển. Đây là loại côn trùng nguy hiểm, độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ. Chất gây độc của kiến ba khoang có thể làm tổn thương da, gây đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
Chất gây độc của kiến ba khoang có thể làm tổn thương da, thậm chí gây ra biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
Những trường hợp viêm da nặng, tổn thương lan nhanh sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang chủ yếu do chà xát vết đốt, làm độc tố của kiến lan ra.
Những trường hợp này cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5-7 ngày tình trạng bệnh mới ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nên dùng tay đập chết kiến để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng, nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!