Từ 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích của Hà Nội tăng gấp 3 lần lên 3.345km2. Diện tích mở rộng, đòi hỏi phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến vành đai mới. Hệ thống các tuyến vành đai không chỉ giảm tải áp lực giao thông nội đô, mà còn là đòn bẩy tạo nên những hành lang góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.
Theo quy hoạch, Hà Nội có 5 đường vành đai chính. Khi các tuyến đường vành đai 2, 3 đang quá tải, thì việc hoàn thiện các tuyến đường vành đai 4, 5 sẽ góp phần giảm tải giao thông hướng vào nội đô cũng điều tiết giao thông tốc độ cao với các địa phương trong vùng.
Hà Nội là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như Vùng đồng bằng sông Hồng. 2 khu vực này đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Hệ thống các đường xuyên tâm, vành đai từ Hà Hội sẽ tạo liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế lớn, thúc đẩy tăng trưởng.
Khoảng hơn một thập kỷ trước, khi tuyến đường cao tốc đô thị vành đai 3 của Thủ đô được đưa vào sử dụng, dọc hai bên đường vẫn còn là những dân cư thưa thớt, bãi đất trống, giờ đây được thay bằng khu đô thị mới. Sự vươn mình của các tuyến đường vành đai, và sự phát triển của hạ tầng giao thông nói chung góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển bền vững. Tiếp tục phát triển trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!