Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Hòa/TTXVN
Ngày 31/5, ông Nguyễn Bá Chỉ - Trưởng thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, từ ngày 7/2/2023, người dân bắt đầu chặn xe rác nhưng không có hành vi gây rối, không gây mất trật tự công cộng mà cắt cử nhau túc trực; khi thấy xe rác vào bãi thì tiến hành cản trở, ngăn chặn. Hiện nay, các ngành, đoàn thể của thôn, xã và huyện vẫn đang thực hiện tuyên truyền vận động người dân đồng tình với chủ trương của nhà nước về giải phóng mặt bằng, đề cao tính thượng tôn pháp luật; tạo điều kiện để xe đưa rác vào bãi, nhằm đảm bảo hạn chế ô nhiễm môi trường, vì sự phát triển chung của thành phố.
Liên quan đến Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) của bãi chôn lấp rác thải huyện Ba Vì kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly, mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kết luận về chính sách hỗ trợ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất đối với 21 hộ dân có kiến nghị. Trong văn bản trên, thành phố đã tháo gỡ vướng mắc về đơn giá đền bù đất ở cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Chỉ, năm 2017, nhiều hộ dân trong thôn Hiệu Lực cũng thực hiện Dự án trên nhưng được đền bù theo hướng có lợi hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2023, khi nhiều công trình của người dân được xây dựng từ những năm 2009 đến 2014, cao từ 1- 3 tầng, khá kiên cố nhưng trong quá trình áp giá đền bù, cơ quan chức năng lại xây dựng phương án đền bù "không đồng" vì cho rằng công trình xây dựng trên đất không hợp pháp, vi phạm trật tự xây dựng. "Với việc áp giá như trên, người dân sẽ rất thiệt thòi và tiếp tục gửi kiến nghị tới cấp có thẩm quyền với mong muốn được áp giá đền bù tài sản trên đất như năm 2017", ông Nguyễn Bá Chỉ nói.
Về tài sản trên đất của các hộ dân, ngày 12/5, UBND huyện Ba Vì có văn bản 1020-UB gửi sở Xây dựng Hà Nội về nội dung: Xin hỗ trợ khác đối với công trình, vật kiến trúc trên đất của 21 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Tại văn bản trên, UBND huyện Ba Vì có nêu: "Để đảm bảo việc hỗ trợ về đất và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội xem xét hỗ trợ khác đối với phần tài sản xây dựng trên đất tương ứng".
Về nguồn gốc tài sản trên đất, UBND huyện Ba Vì thông tin, căn cứ báo cáo của UBND xã Tản Lĩnh, tài sản của 21 hộ gia đình đều xây dựng trước thời điểm quy hoạch bãi rác năm 2020, trước thời điểm thông báo thu hồi đất.
Theo UBND huyện Ba Vì, đến ngày 31/5, Sở Xây dựng Hà Nội chưa có văn bản trả lời các nội dung kiến nghị trên.
Bãi rác Xuân Sơn nằm ở phía Tây Hà Nội thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì có diện tích khoảng 26 ha. Nhiệm vụ của bãi này tiếp nhận rác từ 12 huyện gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây. Khối lượng rác mỗi ngày được đưa vào đây khoảng 1.500 tấn, trong đó chôn lấp khoảng 1.400 tấn, còn lại xử lý đốt khoảng 100 tấn.
Từ khi bãi rác này bị người dân chặn, rác của toàn thành phố được chỉ đạo đổ về bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Do đường đi của rác xa, năng lực vận chuyển của một số đơn vị thu gom còn hạn chế, dẫn đến có thời điểm rác bị ùn ứ tại một số quận, huyện phía Tây thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!