Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị khai thác bến xe về việc sử dụng xe trung chuyển vận tải hành khách trên địa bàn thành phố.
Nhằm khắc phục và giảm tỉnh trạng "xe khách trá hình, bến cóc hoạt động" trên địa bàn thành phố dịp cuối năm. Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề nghị các đơn vị vận tải xây dựng phương án tổ chức hoạt động của các xe trung chuyển thuộc đơn vị mình, tránh tình trạng xe trá hình hoạt động trên địa bàn thành phố; phối hợp với đơn vị khai thác bến xe bố trí nơi đón trả khách cho xe trung chuyển; chỉ đón, trả khách của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định đã được công bố; thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu "xe trung chuyển" cho đơn vị khai thác bến xe
Xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định đã được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chấp thuận phải đi theo luồng tuyến, chỉ được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm; phù hợp với tuyến đường, thời gian hoạt động theo phương án kinh doanh của đơn vị đã xây dựng.
Xe vận tải trung chuyển phải là xe từ 16 chỗ trở xuống (kể cả lái xe); có phù hiệu "Xe trung chuyển" và tên, số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tại một thời điểm, mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải.
Tại các bến xe Hà Nội, lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt cao điểm dịp Tết là 2.030 xe. Trong đó, Bến xe Giáp Bát dự phòng tăng cường 905 xe; Bến xe Gia Lâm dự phòng tăng cường 290 xe và Bến xe Mỹ Đình dự phòng tăng cường 835 xe. Các tuyến bus kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!