Làm sao đến 2/9/2025, dòng sông Tô Lịch giữa lòng Thủ đô phải trở thành dòng sông thơ mộng, không còn màu đen. Đây là kỳ vọng của Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài. Để hồi sinh sông Tô Lịch và các con sông nội đô của Hà Nội, rất nhiều đề án, chương trình cải tạo, xử lý nước thải đô thị đã được thành phố thực hiện trong suốt nhiều năm nay.
Với sông Tô Lịch, đến nay, Hà Nội mới kỳ vọng có thể xử lý khoảng 40% nước thải đô thị xả vào sông này, tức thực tế vẫn còn tới khoảng 60% chưa được xử lý.
Sông Tô Lịch vẫn là dòng ''sông chết''
Chảy dài hơn 14 km, từ điểm đầu hiện nay là đường Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối giao với sông Nhuệ ở xã Hạ Hoà, huyện Thanh Trì. Dòng sông nhiều thời điểm gần như không chảy do đầu nguồn của sông này đã bị bồi lấp và biến thành kênh chứa nước thải.
Nhiều khúc sông trong vòng 300m có đến 10 cống nước thải sinh hoạt chảy thẳng xuống dòng sông. Dòng sông Tô Lịch trở thành dòng ''sông chết'' vì gần như không còn nguồn cấp nước, không còn dòng chảy và cũng mất đi khả năng tự làm sạch.
Ngoài vấn đề ô nhiễm nguồn nước, mỗi ngày, hàng tấn rác thải bị một số người dân vứt dọc hai bên bờ sông. Lượng bùn dưới lòng sông, theo năm tháng, nhiều chỗ cũng sâu gần 1m.
Cuộc sống của hàng vạn người dọc hai dòng kênh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng phở được ông Nguyễn Hồng Cư (quận Thanh Xuân) mở cách đây gần 20 năm nhưng lại ngay cạnh sông Tô Lịch, nhiều thời điểm quán cũng vắng khách vì mùi bốc lên rất khó chịu.
Dòng sông bao giờ mới trong xanh trở lại? Một câu hỏi mà nhiều người dân vẫn chưa có câu trả lời.
Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được xem là giải pháp và hy vọng hồi sinh dòng sông Tô Lịch và sông Lừ của Hà Nội. Đây là một trong những nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, công suất xử lý 100.000 m3 nước thải/ngày đêm. Đến nay, sau 8 năm xây dựng, nhà máy đã vận hành thử nghiệm. Như vậy, cùng với nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đang hoạt động, kỳ vọng có thể xử lý khoảng 40% nước thải đô thị xả vào sông Tô Lịch.
Chỉ riêng với con sông này, thành phố Hà Nội đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho các dự án thử nghiệm, nhưng ô nhiễm chưa được cải thiện.
Hơn 5 năm trước, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để giải quyết tình trạng ô nhiễm sông, hồ đã được Hà Nội áp dụng trên 100 hồ, là chế phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài, kỳ vọng giải quyết chất lượng nước chỉ sau 1 bước xử lý. Bên cạnh đó, một số biện pháp hỗ trợ như lắp đặt bè thủy sinh, đặt máy sục khí và nạo vét đáy hồ cũng được song song thực hiện nhưng hiệu quả các giải pháp này không lâu dài.
Làm sạch sông bằng công nghệ Nhật Bản Nano Bioreactor ngay sau đó cho thấy kết quả rõ rệt hơn tại khu vực thử nghiệm. Thời điểm đó, 3 vấn đề chính được xác định đó là: mùi hôi thối, lớp bùn dưới đáy sông và chất lượng nước trong lòng sông.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xử lý nước trong điều kiện hàng ngày vẫn còn nước thải chảy vào, và vẫn tích tụ bùn, chỉ với công nghệ giải quyết vấn đề màu sắc và khử mùi thì không có gì mới. Kết quả cuối cùng vẫn phải đợi chỉ số quan trắc, lấy mẫu của cơ quan chức năng để quyết định có tiến hành nhân rộng hay không. Và hiện nay, dự án cũng đã dừng lại.
Phục hồi chất lượng sông Tô Lịch
Kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch. Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu là đến 2/9 năm sau, sẽ làm sạch sông Tô Lịch. Chỉ còn hơn 9 tháng nữa, Hà Nội có làm sạch được dòng sông này không. Giải pháp cấp bách mà thành phố đang làm hiện nay đó là bơm nước từ sông Hồng về làm sạch dòng sông này.
Sở Xây dựng T"P Hà Nội dự kiến có 2 phương án bơm nước từ sông Hồng. Trong đó, phương án dự kiến đặt trạm bơm gần chân cầu Nhật Tân. Sau đó, 2 đường ống sẽ chạy dọc theo đường Võ Chí Công tới nút giao với Nguyễn Hoàng Tôn rồi về tới đường Trích Sài. Tại đây, một đường ống sẽ chạy về hồ lắng để bổ cập nước cho Hồ Tây nếu mực nước Hồ Tây xuống thấp. Một đường ống còn lại sẽ chạy ngầm dưới Hồ Tây, bơm bổ sung, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch với lưu lượng dự kiến là 3m3/s. Đây là phương án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá có tính khả thi.
Phương án cuối cùng như thế nào thì lãnh đạo thành phố sẽ quyết định trong thời gian tới. Nhưng để giải quyết được triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, TP Hà Nội cần cung cấp nước không bị ô nhiễm cho dòng sông này. Đồng thời tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, không để các nguồn nước thải chưa qua xử lý chảy vào dòng sông này.
Chỉ 14km chiều dài nhưng mỗi ngày sông Tô Lịch nhận khoảng 300.000 m3 nước thải đô thị từ hơn 300 cống xả thải trực tiếp xuống, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Dân số của Hà Nội từ hơn 3 triệu người năm 2004 đã tăng khoảng gấp 3 sau 20 năm. Trong khi các dự án đầu tư cho xử lý nước thải đô thị còn thiếu, rồi ý thức kém của một bộ phận người dân. Những điều này đã khiến dòng sông này và 3 sông nội đô khác của Hà Nội trở thành những nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Như vậy, bên cạnh giải pháp bổ sung nguồn nước cho sông Tô Lịch thì các giải pháp đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải đô thị, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, vệ sinh môi trường 2 bên bờ sông cũng phải được tiến hành đồng bộ. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng, mang màu xanh trở lại với dòng sông này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!