Hà Nội: Phát hiện cơ sở tái chế chì trái phép rộng hàng nghìn m2

Anh Tuấn-Thứ sáu, ngày 19/07/2024 05:30 GMT+7

VTV.vn - Một cơ sở tái chế chì quy mô lớn hoạt động chui trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi.

Chì nằm trong nhóm kim loại nặng, có thể gây nhiễm độc cho người, đặc biệt là trẻ em. Theo cảnh báo của Bộ Y tế, khi nhiễm độc chì, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Khi tiếp xúc chì trong thời gian dài, não bộ người bệnh sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời gây ra các biến chứng như tổn thương hệ thần kinh, suy thận, co giật, thậm chí nặng hơn là bất tỉnh hay tử vong. Phụ nữ có thai bị phơi nhiễm chì ở mức độ cao có thể gây sẩy thai, cũng như dị tật nhỏ. Vì mức độ độc hại nên mọi hoạt động thu gom, tái chế chì đều phải được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép, đồng thời kiểm tra giám sát theo một quy trình chặt chẽ.

Mới đây, sau nhiều ngày theo dõi, nhóm phóng viên Chương trình Chuyển động 24h đã phát hiện một cơ sở tái chế chì với quy mô lớn hoạt động chui trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội với những chiêu thức thủ đoạn rất tinh vi.

Hà Nội: Phát hiện cơ sở tái chế chì trái phép rộng hàng nghìn m2 - Ảnh 1.

Cơ sở tái chế chì hoạt động chui trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Khoảng 22h đêm, khu vực nhà xưởng nằm khuất sau cánh đồng Tín, thôn Đông, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, vẫn đỏ lửa. Những làn khói nghi ngút bốc lên không thể che giấu nổi hoạt động của lò tái chế kim loại chì đang tồn tại ở đây.

Vào thời điểm ban ngày, chân dung của lò tái chế chì này hiện ra rõ nét hơn, với diện tích lên đến hàng nghìn m2. Bên trong nhà xưởng, các bao tải chứa chì thải chất cao như núi đang được tập kết sẵn để đưa vào lò nấu.

Trong không gian nhà xưởng xông mùi khét lẹt, đặc quánh mùi hóa chất, một thanh niên luôn túc trực để đảm bảo quá trình tái chế chì diễn ra suôn sẻ.

Phát hiện có máy quay ghi hình, những người lao động được yêu cầu dừng làm việc, rời khỏi nhà xưởng. Ai cũng đen nhẻm vì nhuộm bụi chì. Đa số những người lao động đang làm việc ở đây đều ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Được trả công ở mức trên dưới 10 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí, nhưng họ không hiểu rằng môi trường đang làm phải đối mặt với nguy cơ độc hại như thế nào, nên có người vẫn vô tư bỏ khẩu trang ngay trong lò nấu.

Tại cơ sở này, nhóm phóng viên còn phát hiện một số người nước ngoài đang trực tiếp tham gia điều hành vào công đoạn nấu chì.

Ông Phùng Đức Trọng, Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết: "Cơ sở đang thuê đơn vị tư vấn, thủ tục quan trắc về môi trường. Cơ sở này đang hoạt động trái phép".

Vì hoạt động không phép nên bao nhiêu chất thải phát sinh, ông chủ cũng tự cho mình quyền được xả ra bên ngoài. Tro xỉ đổ đến đâu được san lấp đến đó để tạo mặt bằng phục vụ mục đích lấn chiếm. Còn nước thải đen đặc được bơm thẳng ra khu đất nông nghiệp kế bên.

Ngoài lò nấu chì còn có hàng loạt nhà xưởng cùng hoạt động liên quan đến việc thu gom tái chế chất thải nguy hại khác như tái chế pin, linh kiện điện tử… Cả một khu vực tồn tại trái phép, hoạt động rầm rộ, quy mô, nếu các cơ quan quản lý ở địa phương nói là không biết thì chỉ có thể là ''con voi chui lọt lỗ kim''.

Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc tại các cơ sở chì tái chế Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc tại các cơ sở chì tái chế

VTV.vn - Những bình ắc quy thải bỏ sau khi hết giá trị lại trở thành nguyên liệu sản xuất hàng ngày tại cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai để phục vụ công việc tái chế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước