Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 526/KH-SYT về hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024. Đối tượng hậu kiểm là các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, cơ sở công bố mỹ phẩm, cơ sở nhập khẩu mỹ phẩm…
Nội dung hậu kiểm bao gồm: kiểm tra điều kiện sản xuất mỹ phẩm, việc tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) tại những cơ sở sản xuất mỹ phẩm; kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường; kiểm tra hồ sơ thông tin sản phẩm; kiểm tra việc thực hiện quy định về thông tin quảng cáo mỹ phẩm; lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng…
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu công tác hậu kiểm phải tuân thủ các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Trường hợp cơ sở vi phạm nghiêm trọng có thể thu hồi giấy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã đăng ký tại Sở Y tế.
Nhiều vụ việc mỹ phẩm giả được sản xuất thủ công, không đảm bảo đã bị phát hiện và xử lý.
Hiện nay, thị trường sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam đang phát triển, kéo theo nhiều vi phạm cần phải được xử lý, tháo gỡ. Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD. Hiện nay, hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở Văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất. Mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đa số từ các nước khu vực châu Á (chủ yếu là khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á), có xu hướng ngày càng tăng cao. Doanh số bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam có xu hướng tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong thời gian tới có 3 nội dung chính sách lớn trong quản lý mỹ phẩm cần xây dựng và hoàn thiện.
Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN.
Thứ hai, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng công nghệ 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước tiến tới xuất khẩu, chúng ta cần nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP- Asean về mỹ phẩm và quy định lộ trình thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!