Tại thôn Minh Khai, có tới 90% trong tổng số hơn 1.000 hộ dân đang làm nghề tái chế nhựa. Bình quân mỗi ngày, một số lượng chất thải khổng lồ được tập kết về đây, với ước tính có khoảng 500 chuyến xe tải chở chất thải này. Nhựa phế thải bao gồm đủ loại: bao bì, túi nilon, vỏ hộp... được thu mua tràn lan từ khắp nơi.
Theo ghi nhận tại một số cơ sở tái chế, túi nilon, rác thải được phân loại, xúc rửa một cách thủ công, sơ sài. Nước thải đều xả tràn lan ra môi trường. Khí thải trong quá trình tái chế nhựa, nilon không được xử lý, gây ô nhiễm và tạo mùi khó chịu.
Năm 2009, huyện Văn Lâm đã đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Làng nghề Minh khai với diện tích 11ha, có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đến nay, mới chỉ có hơn 10% hộ dân vào hoạt động trong cụm công nghiệp. Số còn lại vẫn hoạt động trong khu dân cư và nhiều cơ sở quy mô lớn nhưng không hề có các phương án xử lý môi trường.
Ngay tại huyện Văn Lâm, tình trạng nhiều trẻ em bị phơi nhiễm chì ở thôn Đông Mai đã là bài học đắt giá của việc không chú trọng giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế. Còn đối với làng nghề Minh Khai, với thực trạng môi trường như hiện nay, khó có thể khẳng định bệnh tật sẽ không xảy ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.