Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức trọng thể lễ công bố và trưng bày các bảo vật quốc gia nhằm tôn vinh và quảng bá di sản văn hóa tới đông đảo người dân. Từ năm 2019 đến nay, có 4 hiện vật, nhóm hiện vật của Hải Phòng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là những là những hiện vật độc bản, chứa đựng dấu ấn văn hóa tiêu biểu của các thời kỳ lịch sử:
Long đao có niên đại thế kỷ XVII-XVIII, trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy); Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có niên đại thế kỷ XVI, trưng bày tại chùa Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy).
Sưu tập gốm men trắng An Biên có niên đại thế kỷ XI – XII, trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, Bộ sưu tập gốm men trắng An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng bao gồm 9 hiện vật ấm, liễn, đĩa thể hiện đỉnh cao về kỹ nghệ chế tác, đạt đến độ lung linh, huyền ảo, tiêu biểu cho nghệ thuật gốm men trắng cao cấp thời Lý, cách đây hơn 1000 năm. Chúng đều là hiện vật gốc, độc bản, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn khẳng định truyền thống riêng biệt của gốm sứ Việt. Cho đến nay, đây là bộ sưu tập thuộc sở hữu tư nhân thứ hai được công nhận là bảo vật quốc gia.
Việc công bố và trưng bày trang trọng các bảo vật quốc gia tại bảo tàng thành phố gửi đi thông điệp: Hải Phòng không chỉ là thành phố phát triển về kinh tế - xã hội mà còn trân trọng bề dày lịch sử, quan tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!