Nằm ngay ở khu dân cư đông đúc của quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhưng ki-ốt tại mặt đường Trần Đăng Ninh có diện tích hơn 110 m vẫn đóng cửa để hoang. Bà Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, theo quy định của thành phố Hà Nội, tiền cho thuê được từ những diện tích này sẽ được ưu tiên dùng để sửa sang một số hạng mục xuống cấp của nhà tái định cư. Tuy nhiên để hoang như thế này, người dân là người chịu thiệt nhiều nhất.
Đại diện đơn vị cho thuê giải thích lý do không cho thuê được vì nhà để nhiều năm đã xuống cấp, nên người thuê sẽ phải bỏ chi phí rất lớn để cải tạo. Đó là chưa kể, giá thuê lại gần bằng với các nhà dân cho thuê bên cạnh đã được cải tạo mặt bằng, nên khi đấu giá không có ai tham gia.
Hiện có khoảng một nửa diện tích ki-ốt tầng 1 tại 100 tòa nhà tái định cư đang trong tình trạng bỏ hoang.
"Đây là tài sản nhà nước chúng tôi đưa vào đấu giá, 230.000 đồng/m2 (chưa VAT) nên không có hồ sơ nào nộp tại địa điểm này. Thứ hai là mặt bằng chúng tôi tiếp nhận từ năm 2007 đến nay đã quá xuống cấp", ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Trưởng phòng Nhà, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết.
Hiện có khoảng một nửa diện tích ki-ốt tầng 1 tại 100 tòa nhà tái định cư đang trong tình trạng bỏ hoang như thế này. Nhiều diện tích cả chục năm nay không có người thuê và ngày càng xuống cấp. Năm 2022, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã đưa ra 59 điểm đấu giá, nhưng chỉ có 9 điểm có người thuê, số còn lại không có người tham gia do giá cho thuê cao, lại có nhiều ràng buộc cứng nhắc như phải trả tiền thuê một năm một lần và sau 5 năm phải trả mặt bằng để đấu giá lại.
Trong khi nhiều mặt bằng cho thuê của tư nhân ế khách, giảm giá thuê hàng loạt, những quy định cứng nhắc của thành phố sẽ khiến tình trạng nhà bỏ hoang càng kéo dài hơn, gây lãng phí lớn về nguồn lực xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!