Cần Thơ là địa phương có số nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất với hơn 200 người, kế đến là An Giang.
Có nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì áp lực công việc ngày càng cao, trong khi thu nhập thấp thì chưa tương xứng. Nhiều nhân viên y tế đã chọn các bệnh viện tư nhân để làm việc. Tình trạng này gây xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhiều cơ sở y tế công lập.
Sau hơn 2 năm căng mình chống dịch COVID-19, đội ngũ nhân viên y tế cơ sở đã rất vất vả, thậm chí kiệt sức. Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân sau dịch tăng cao kéo theo áp lực công việc ngày càng lớn.
Bất cập trong phân bổ biên chế cũng là nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ không mặn mà với hệ thống y tế công lập. Cụ thể, tại nhiều bệnh viện công lập dù được giao tự chủ tài chính nhưng không có quyền tự quyết về biên chế. Do đó, nhiều đơn vị chỉ có thể ký hợp đồng lao động dạng thuê khoán hoặc ngắn hạn dẫn tới không thể giữ chân được nhân viên y tế.
Gần 1.000 nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc là con số rất đáng báo động. Do đó, rất cần sự quan tâm kịp thời bằng những chính sách thiết thực từ Chính phủ để các nhân viên y tế công lập yên tâm công tác và làm tốt hơn sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, 18 tháng qua, đã có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bên cạnh đó, các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế cũng đang được bộ quyết liệt triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!