Tại Quảng Bình, 34/41 lao động thời vụ tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk bỏ trốn trước khi hết hạn hợp đồng đã và đang gây nhiều hệ lụy xấu. Khi họ bỏ trốn cũng là lúc 55 lao động đồng hương bị tước mất cơ hội xuất cảnh.
Chị Nguyễn Thị Hải là vợ anh Lê Gia Thắng, 1 trong 34 lao động được tỉnh Quảng Bình, sắp xếp sang Hàn Quốc làm việc và đã bỏ trốn. Đến thời điểm này, chị cũng không biết chồng chị đang ở đâu.
Trong 41 người đi xuất khẩu lao động thời vụ, có 7 người về đúng hạn vào ngày 15/9 vừa qua cho biết, sau khi lao động tại Hàn Quốc về đã giúp gia đình có thêm khoản thu nhập đáng kể, giảm bớt khó khăn kinh tế. Mặc dù cũng bị các đối tượng rủ rê ở lại nhưng họ đã chấp hành đúng theo quy định và về nước đúng thời gian.
Anh Ngô Đình Quang ở TP Đồng Hới, Quảng Bình cho biết, nếu trốn ra ngoài, lao động sẽ không có được sự bảo hộ của Hàn Quốc khi không may bị tai nạn lao động hoặc bị ngược đãi.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, từ năm 2015 đến nay, đã có gần 600 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc hết hạn không chịu về nước. Việc lao động bỏ trốn để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc, làm hẹp giấc mơ thoát nghèo của hàng nghìn người khác và làm xấu hình ảnh lao động Việt Nam trong mắt nước bạn.
Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro cao như bệnh tật, tai nạn lao động, thiếu việc làm, nợ lương... Bên cạnh đó, những cuộc truy quét gắt gao của nhà chức trách sẽ làm cho số lao động này luôn sống trong bất an.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lao động phá hợp đồng, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!