Bên cạnh Cà Mau, tỉnh Hậu Giang hàng năm cũng luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Toàn tỉnh hiện đang có 45 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 1km. Điều đáng lo ngại, qua từng năm, tình trạng sạt lở bờ sông ngày một gia tăng và diễn biến khó lường hơn.
Châu Thành cũng là điểm nóng về sạt lở bờ sông của Hậu Giang với 39 điểm. Thiệt hại do sạt lở gây ra, tính từ đầu năm đến nay là khoảng 2,5 tỷ đồng.
Toàn huyện dự kiến phải di dời trên 800 hộ dân do sạt lở. Với tổng cộng 45 điểm sạt lở trong năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho rằng để xây dựng công trình kiên cố sẽ rất tốn kém và không phải nơi nào kè bê tông kiên cố cũng phát huy hiệu quả.
Ở một số tuyến kênh rạch phù hợp, tỉnh khuyến khích và hỗ trợ người dân làm kè mềm sinh thái, hiệu quả cao trong bảo vệ bờ sông và lại có chi phí hợp lý. Bằng cách sử dụng một số loại cây như bần và tràm, chi phí cho mỗi mét kè mềm chỉ khoảng 500.000 đồng. Hiện toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được khoảng 1.000km kè sinh thái, đang nghiên cứu cải tiến để đạt hiệu quả cao hơn.
Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, sạt lở vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ngày càng tăng. Phương án di dời dân đến nơi an toàn cũng đã được tính đến nhưng còn vướng kinh phí. Như chỉ riêng tuyến sông Mái Dầm này, để ứng phó với sạt lở cho khoảng 10km cần tới gần 400 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!