Việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực này ở nhiều nơi còn gặp khó khăn nhưng tại tỉnh Thái Bình nhờ đẩy nhanh xã hội hóa nên giờ đã đạt 100% người dân được sử dụng nước sạch.
Nước sạch về làng là điều mong đợi nhiều năm nay của bà Nguyễn Thị Lan và các hộ dân ở xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương. Tuy phải đóng góp chi phí tiền đồng hồ nước với giá 2,7 triệu đồng nhưng đây là trách nhiệm của gia đình đối với việc tham gia xã hội hóa nước sạch và cũng là cách để mỗi hộ gia đình tại đây có ý thức hơn trong việc bảo vệ đường ống nước.
Hơn 3 năm nay, bà Lan đã từ bỏ hẳn nguồn nước giếng khoan gây ô nhiễm để chuyển sang dùng nước sạch. "Có nước sạch, dân chúng tôi không phải lo về sức khỏe...", bà Lan nói.
Với công suất 18.000 m3/ngày đêm, nhà máy này cung cấp đủ nước sạch cho 6 xã và các cụm công nghiệp của huyện Kiến Xương. Bắt đầu xây dựng từ cách đây hơn 7 năm, 55 nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ vốn vay ưu đãi và đặc biệt là chi phí vận hành
Cách đây khoảng 10 năm, Thái Bình đã quyết định không dùng vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như sự tham gia đóng góp của người dân. Bởi nguồn vốn đầu tư công không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Với chủ trương đúng, sự vào cuộc của doanh nghiệp và sự đồng hành của người dân đã góp phần cho phong trào xã hội hóa nước sạch ở Thái Bình phát triển rất nhanh và mang lại hiệu quả tích cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!