Trợ giúp để lao động ngoại tỉnh yên tâm ở tại chỗ
Tại các địa phương đã thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16, việc chăm lo cho người dân khó khăn, người ngoại tỉnh trở thành công tác của chính quyền địa phương và các đoàn thể.
Tại Hà Nội, sau gần 1 tháng giãn cách xã hội, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ mọi đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh để họ yên tâm thực hiện giãn cách. Không chỉ hàng hoá, nhu yếu phẩm mà còn được ở trọ miễn phí. Chỉ có tình người và những sự hỗ trợ thiết thực nhất mới níu chân được người lao động ngoại tỉnh yên tâm ở lại.
TP Hà Nội đã chỉ đạo các xã phường phải đảm bảo cho lao động tự do chỗ ăn chỗ ở và khi hết dịch thì lo việc làm cho người ngoại tỉnh để họ yên tâm ở lại.
Nếu đối tượng không thuộc diện hỗ trợ chính sách, các Hội đoàn và địa phương có trách nhiệm chăm lo, không để thiếu ăn, ở trong lúc giãn cách.
Bất cứ người khó khăn trên địa bàn, dù ở địa chỉ nào, có thể gọi điện đến đường dây nóng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 30 quận, huyện để nhận được sự giúp đỡ kịp thời.
Giảm tiền trọ cho người thuê
Không chỉ có các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, người dân cũng đang tích cực giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của nhiều lao động tự do và người thuê trọ, mới đây, lãnh đạo UBND, Công an phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã đến từng xóm trọ gửi thư ngỏ, vận động chủ nhà giảm tiền cho người thuê.
Theo thông tin cập nhật, đến chiều 20/8, đã vận động được gần 200 chủ nhà trọ tham gia, miễn giảm được gần 1 tỷ đồng cho những người thuê trọ trên địa bàn phường.
Thư ngỏ do ông Trần Trung Tuyển, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh gửi nhân dân trong phường, vận động miễn giảm tiền thuê trọ cho các hộ gia đình, cá nhân đang thuê, gặp hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch. Đồng thời, ông Trần Trung Tuyển đề nghị các chủ trọ động viên tới các gia đình, cá nhân thuê trọ "ai ở đâu ở yên đó", yên tâm ở lại địa bàn cư trú, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Đây là sự ủng hộ, đóng góp thiết thực, góp phần giảm gánh nặng lớn về kinh phí chi trả tiền chỗ ở của những người dân đang lưu trú, thuê trọ trên địa bàn phường Xuân Đỉnh.
Nhiều gói hỗ trợ cho người lao động ở trọ
Những người đứng đầu mỗi tổ dân phố, mỗi xã, mỗi phường là người hiểu địa bàn mình quản lý nhất, hiểu người dân địa phương mình nhất sẽ có những hành động linh hoạt như Phường Xuân Đỉnh đang làm. Còn những thành phố lớn cũng cần có những chính sách phù hợp với đặc thù của từng nơi.
Với số lượng công nhân làm việc trong các khu công nghiệp rất lớn, Bình Dương hiện đang phải vừa chống dịch, vừa lo đảm bảo an sinh xã hội cho hàng ngàn lao động. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang gấp rút hoàn thành nhiều chính sách hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ, chăm lo đời sống cho các lao động đang ở trọ trên địa bàn, để họ yên tâm ai ở đâu thì ở yên đó.
Bên cạnh gói hỗ trợ tiền trọ 300.000 đồng/người, Bình Dương cũng đang khẩn trương thực hiện thêm gói hỗ trợ lương thực thực phẩm cho người lao động khăn. Người lao động từ 15 tuổi trở lên, không phân biệt công nhân hay lao động tự do đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, sẽ được hỗ trợ lương thực, thực phẩm trị giá 500.000 đồng/người bằng hiện vật hoặc tiền mặt.
Trước những gói hỗ trợ này, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động hay còn gọi là lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác là hơn 75.600 người với số tiền giải ngân hơn 113 tỷ đồng. Đối với đối tượng bán vé số lưu động, tỉnh Bình Dương cơ bản đã hoàn thành việc chi trả.
Để người dân an tâm phòng chống dịch "ai ở đâu, ở yên đó", tỉnh Bình Dương nỗ lực từng ngày quyết tâm đến cuối tháng 8/2021, sẽ hoàn thành chi trả các gói hỗ trợ cho các nhóm đối tượng và không để bất kỳ người dân nào thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.
Đảm bảo an sinh cho người khó khăn
Tỉnh Đồng Nai cũng thông báo hỗ trợ các lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã rà soát, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho hơn 49.000 người, với số tiền gần 74 tỷ đồng.
Về việc hỗ trợ cho người cách ly y tế F1 do COVID-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai thực hiện rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ hơn 450 người với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Có thể thấy, đảm bảo an sinh cho khó khăn do dịch bệnh là một trong những quyết tâm của các tỉnh thành phố.
Với TP Hồ Chí Minh, việc giãn cách xã hội đến 15/9 sẽ gây khó khăn cho nhiều người lao động, tạm trú trên địa bàn TP. Tuy nhiên, với quyết tâm đẩy lùi dịch, TP Hồ Chí Minh vẫn đang vừa chống dịch, vừa tiếp tục hỗ trợ người dân bằng mọi nguồn lực có thể, bằng nhiều hình thức khác nhau.
Với gia đình anh Nguyễn Xuân Quyết, trọ tại phường Bình Chiểu TP Thủ Đức, làm nghề tài xế công nghệ, vợ làm công nhân nhà máy, chưa bao giờ cuộc sống lại khó khăn như thế từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Vợ mất việc, công việc của anh giảm sút khiến 3 tháng này, vợ chồng anh hầu như không có thu nhập. Hiểu được nỗi khổ đó, ông Nguyễn Văn Em, chủ nhà trọ nơi vợ chồng anh thuê đã miễn giảm 1/3 số tiền thuê nhà trong 2 tháng qua. Nhờ có số tiền đó, không chỉ anh Quyết mà nhiều người thuê trọ khác cũng phần nào vơi đi nỗi lo về chi phí.
Được biết, đây là một trong những hoạt động của TP Thủ Đức nhằm chăm lo cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch gây ra. Khi trung tâm an sinh, trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19, đi vào hoạt động với nguồn lực lớn hơn, khi đó nhiều hoàn cảnh sẽ còn được hỗ trợ nhiều hơn không chỉ là tiền thuê nhà. Dự kiến, TP sẽ xây dựng gói hỗ trợ từ 3 đến 7 ngày để đảm bảo người dân đủ duy trì cuộc sống.
Ngoài việc chống dịch, mục tiêu hàng đầu của TP là chăm lo cho những người bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh là TP đông dân nhất cả nước, dù huy động được nguồn lực rất lớn từ khắp các nơi nhưng để các gói an sinh đến được với người dân, vai trò của hệ thống cơ sở là quan trọng nhất. Chính họ là người nắm rõ tình hình, biết được các trường hợp cần sự hỗ trợ và đảm bảo đến đúng người, đúng nơi.
Đối với những trường hợp người dân đã trả nhà trọ và muốn rời TP để về quê, TP sẽ cung cấp chỗ ở, các điều kiện sinh sống để người dân tạm ở lại TP. Khi các địa phương có kế hoạch đón người cụ thể, TP sẽ phối hợp để người dân được về quê một cách chính thống, an toàn và đảm bảo các điều kiện đặt ra cho phòng chống dịch.
TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương vẫn là các trung tâm thu hút về đây lực lượng lao động đến từ mọi miền đất nước. Để giữ chân được lực lượng lao động ở lại, bên cạnh việc chăm lo về y tế, bảo đảm an sinh cho họ rất cần thiết. Đây cũng là giải pháp quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế xã hội sau những đợt dịch bùng phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!