Trước thực trạng nhiều trẻ tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên bị nhiễm độc chì nặng, Bộ Y tế đã có một số kiến nghị với UBND tỉnh Hưng Yên. Đối với 33 trường hợp trẻ bị nhiễm độc chì nặng, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên tìm nguồn kinh phí để điều trị thải độc chì.
Hiện thuốc điều trị thải độc chì chưa có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Trong khi đó, chi phí cho việc điều trị thải độc rất cao, khoảng 240 triệu đồng cho một trẻ và trẻ phải cách ly hoàn toàn với nguồn nhiễm độc.
Trong năm 2014, Bộ Y tế đã xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm, trong đó có một số thuốc điều trị ngộ độc chì, tuy nhiên, trước tình hình này, trong năm nay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bổ sung thuốc điều trị ngộ độc chì cấp tính và mãn tính vào danh mục bảo hiểm.
Trong thời gian qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị nhiễm độc chì cho cán bộ y tế của Hưng Yên và khám sàng lọc cho người dân tại làng tái chế chì Đông Mai.
Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề người dân nhiễm độc chì là phải giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế chì Đông Mai. Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, một số mẫu nước của làng Đông Mai có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép đến 1.000 lần.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.