Từ ngày 23 - 27/7 tới đây, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ phối hợp cùng Văn phòng Điều phối nông thôn mới TƯ tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh miền núi phía Bắc.
Sự kiện lần này sẽ được tổ chức với quy mô lớn, không những quy tụ hàng trăm gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP mà còn có nhiều hoạt động giao lưu, tìm hiểu và quảng bá cho các đơn vị tham gia.
Cụ thể, trong khuôn khổ của sự kiện sẽ trưng bày, giới thiệu, quảng bá trên 150 gian hàng với hàng ngàn dòng sản phẩm đặc sản vùng miền. Cùng với đó, các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng hay trình diễn văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sắc cũng sẽ được tổ chức. Không gian văn hóa ẩm thực của 11 tỉnh, thành sẽ có các màn "biểu diễn" như: mổ cá ngừ đại dương, chế biến lẩu mắm cá kèo, làm chả mực, nấu súp lươn Nghệ An, làm trà Tân cương sao tuyết Hà Giang… Du khách tham dự cũng sẽ được thưởng lãm trên 200 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của Thủ đô, trưng bày tại không gian sinh vật cảnh Hà Nội, tạo điểm nhấn và nét văn hóa Thủ đô.
Bên cạnh hoạt động trưng bày và giới thiệu còn có hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP vào chiều 24/7 nhằm mục đích kết nối giao thương các sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Được biết, đến nay đã có 121 hợp đồng đã được ký kết giữa các nhà phân phối và các nhà sản xuất sản phẩm OCOP.
Là một chương trình hướng đến phát triển kinh tế khu vực nông thông theo hướng phát triển nổi lực và tăng gia sản xuất, OCOP lâu nay đã trở thành giải pháp được nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất tại các địa phương chọn lựa và xem trọng. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, nhờ đó, hàng trăm sản phẩm tại các làng nghề đã được nâng cao giá trị, tạo nên chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thậm chí vươn tầm ra thế giới.
Tại Hà Nội, đã có hơn 300 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó không thể không nhắc đến gốm Bát Tràng, trứng gà Ba Huân, gạo Bắc thơm số 7 của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, các loại rau mầm của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, sữa bò tươi của Hợp tác xã chế biến bò sữa Phù Đổng… Mỗi một sản phẩm đều phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đánh giá và xếp hạng theo hạng sao, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!