Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của những người lính. Số thương, bệnh binh điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, người lớn tuổi nhất đã hơn 90.
Thương binh Phạm Minh Liên - Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chia sẻ: "Một số đồng đội chúng tôi giờ vẫn đang ở đâu đó trên mọi miền đất nước, chưa từng về với đất mẹ. Thế nên, bây giờ so sánh với anh em liệt sĩ mất mát thì chúng tôi vẫn còn hơn. Tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ,TB&XH, các anh chị coi chúng tôi như người thân. Cả quá trình ở đây, tôi cảm nhận được như vậy. Chắc chắn rằng cuộc đời chúng tôi gắn với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đến hết đời".
Hiện tại, có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Và hằng năm gần 106.000 lượt người được điều dưỡng tập trung. Tại những cơ sở điều dưỡng, các y bác sĩ không chỉ thăm khám hằng ngày mà còn phải thường xuyên tổ chức những chuyến đi. Đưa các thương binh, bệnh binh điều trị tại các bệnh viện tuyến trên. Bởi lẽ, không chỉ chịu đựng những vết thương đau nhức mỗi khi "trái nắng, trở trời", họ còn mắc nhiều bệnh tật do tuổi tác đã cao.
Nơi đây chủ yếu là các thương, bệnh binh nặng, các y, bác sĩ, điều dưỡng phải phục vụ từ ăn, tắm, ngủ nghỉ đến uống thuốc. Công việc chăm sóc vất vả, không ít lần chị Trang đã nghĩ tới việc từ bỏ.
"Nói là không thì cũng không phải, đã có lúc mình đã nghĩ như thế. Nhưng sau tất cả, mình nghĩ rằng đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Thực ra bố chồng em là thương binh nên chăm sóc bác cũng như chăm sóc bố của em thôi. Chúng em đối xử với các bác bằng tình cảm nên cũng mong xoa dịu nỗi đau da thịt của các bác. Lành thì không thể lành được chỉ mong các bác lạc quan yêu đời" - chị Đỗ Thị Huyền Trang - Hộ lý - Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chia sẻ.
Dẫu vất vả là thế nhưng sau tất cả, những tình cảm yêu thương đong đầy của các cán bộ dành cho các bác thương binh, bệnh binh đã tạo nên mối lương duyên đáng quý giữa những cô con gái chịu thương, chịu khó và những "ông bố" ngồi xe lăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!