Mỗi năm, hàng trăm nghìn lao động từ các vùng khó khăn miền núi về xuôi tìm việc làm trong đó phần lớn là lao động trẻ. Nhiều người đã rời bản làng ra đi từ khi 15-16, lứa tuổi mới chỉ tốt nghiệp THCS. Không kỹ năng, không tay nghề nên họ cũng dễ bị mất việc làm.
Hết lớp 9, Moong Văn Chiến rời bản nghèo đi làm tiêu - điều ở Tây Nguyên. Đi xa mấy năm, Chiến không giữ được đồng nào. Ngây ngô đi làm sớm nên không ít lần, tiền công bị ''cò" ăn chặn hết.
May mắn hơn anh trai, Moong Thị Hành là một trong những học sinh đầu tiên từ vùng lõi nghèo huyện Tương Dương được đi học nghề khi vừa học xong lớp 9. Ở trường, Hành mới hiểu được ý nghĩa khi người lao động có kỹ năng và cơ hội việc làm, thu nhập.
Khác với nhiều bạn bè trong bản, từ Mù Căng Chải, Giàng A Giàng lựa chọn học nghề mộc khi vừa tốt nghiệp THCS. Lúc mới xuống, Giàng thực vất vả tập nói - viết cả tiếng phổ thông và tiếng Anh. Giờ thì đã tự tin hơn khi được chọn vào lớp nghề trọng điểm và có thể sang châu Âu làm việc.
Ở vùng cao, chuyện theo học hết cấp 3 để thi đại học còn khá xa xôi. Thiết thực nhất chính là phải phân luồng, hướng nghiệp ngay từ cấp THCS, giúp các em lựa chọn và học nghề sớm để bớt đi những chông chênh trước khi gia nhập thị trường lao động.
Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, ngoài được miễn học phí và tiếp tục theo học chương trình THPT, nhiều trường nghề còn tạo điều kiện bố trí việc làm thêm cho các em để giảm gánh nặng gia đình.
Tuy nhiên, hiện tại, mục tiêu có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS ở các vùng khó khăn tiếp tục học tập tại các trường nghề vẫn chưa đạt được. Hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn rất ít lựa chọn học nghề mà phần lớn trở thành lao động tự do nên nguồn nhân lực vẫn đang bị lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!