Chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Thành phố vừa ký Công điện 15/CĐ-UBND ngày 18/7/2021 về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.
Theo đó, từ 0h hôm nay (19/7), Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…
TP Hà Nội cũng dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...).
Công điện khẩn được đưa ra trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số ca nhiễm tăng cao. Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong những ngày gần đây, xuất hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng, trong đó một số ca chưa xác định được nguồn lây.
Sáng 19/7, Hà Nội có 12 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 11 ca là các trường hợp F1, 1 ca có tiền sử đi về từ TP Hồ Chí Minh. Hiện, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có một số ca chưa xác định được nguồn lây.
Tính từ đợt dịch thứ tư ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 trường hợp mắc, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 261 trường hợp, số mắc là đối tượng đã được cách ly 181 trường hợp.
Từ ngày 5/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 183 trường hợp, đáng chú ý là 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 có số mắc khá cao là 90 Nguyễn Khuyến: 34 ca; B8 Tân Mai: 16 ca và 132 Bùi Thị Xuân: 14 ca.
Không cần tích trữ hàng hóa
Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đang tăng mức dự trữ gấp từ 3 - 5 lần so với bình thường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu, để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn cung hàng hóa rất dồi dào nên người dân không cần phải mua tích trữ.
Chiều 18/7, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, đến thời điểm hiện nay nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30 - 50%, trong điều kiện sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào.
Hầu hết các hệ thống đều chủ động nguồn hàng, kho dự trữ tại các tỉnh, dự trữ tại các hệ thống phân phối, tăng đối đa hệ thống dự trữ tại các siêu thị nên người dân không phải lo lắng đi mua hàng tích trữ gây mất ổn định thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẵn sàn mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.
Bên cạnh đó, ngành công thương thành phố cũng xây dựng kịch bản 3 cấp độ theo các mức độ lây lan của dịch với tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo các cấp độ.
"Hà Nội đã đảm bảo 3 kịch bản để sẵn sàng hệ thống phân phối tiếp tục dự trữ tăng thêm, phục vụ nhu cầu hàng ngày cho người dân. Nếu cần biện pháp nữa chúng tôi sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động", bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám Đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết.
Sở Công Thương Hà Nội cũng chủ động kết nối với 53 tỉnh, thành phố; trong đó, tập trung vào các khu vực phía Bắc để nắm rõ các doanh nghiệp chủ lực sản xuất hàng công nghiệp, nông sản tại các địa phương để cung cấp cho các đơn vị phân phối của Hà Nội; chủ động liên hệ, ký kết nguồn hàng, sẵn sàng cung cấp lượng hàng cần thiết khi Hà Nội có nhu cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ một số tỉnh tiêu thụ hàng hóa khó khăn trong tiêu thụ, dư cung do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Quyết tâm chặn đứng dịch lây lan diện rộng
Với sự xuất hiện của nhiều ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, bao gồm cả một số ca mắc chưa rõ nguồn lây, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đòi hỏi phải có giải pháp đủ mạnh để tận dụng tối đa "thời điểm vàng" quyết tâm chặn đứng dịch lây lan diện rộng.
Chính vì vậy, cùng với những giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 được các cơ quan chức năng triển khai, người dân Thủ đô cần tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người; chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ "5K" khi bắt buộc phải đi ra ngoài.
Lực lượng công an phường Thụy Khuê gọi loa nhắc nhở người dân không tụ tập đạp xe tập thể dục tại đường Nguyễn Đình Thi (Ảnh chụp 6h sáng 16/7). Ảnh: TTXVN.
Chỉ khi thực hiện nghiêm các quy định mà thành phố đang áp dụng mới sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đúng như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng nhấn mạnh: "Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không có hiệu quả. Mỗi người dân hãy thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch như đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lời kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19".
Trước đó, từ những ngày đầu tháng 7/2021, khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố có những diễn biến mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi người dân toàn thành phố tiếp tục tin tưởng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố. Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn các tiểu thương, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô chia sẻ với thành phố về những biện pháp siết chặt một số dịch vụ ở thời điểm hiện tại (tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, không tập trung quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng...) và có thể phải tăng cường mạnh hơn trong thời gian tới tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố và cả nước.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!