Nhân viên y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) điều tra thông tin của người đến lấy mẫu (Ảnh: TTXVN)
Trong số 2.411 mẫu xét nghiệm, có đến 2/3 mẫu là ngư dân từ các địa phương lân cận theo tàu đánh bắt xa bờ đến đây mưu sinh, khoảng 300 tài xế vận chuyển hải sản đến các tỉnh bạn, còn lại là tư thương và người lao động tự do phục vụ tại chợ đầu mối.
Sau một đêm hoạt động kinh doanh tại cảng cả, sáng ra, hầu hết những con người này tỏa đi khắp nơi, họ đưa hải sản lên đến các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và cả Bắc Trung Bộ. Vì vậy, các mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính có ý nghĩa rất lớn trong việc sàng lọc, truy vết COVID-19 không chỉ riêng với Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trước đó, ngày 16/8, tại buổi giao ban trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các địa phương có kế hoạch đón đầu việc xử lý các trường hợp F2 dễ có nguy cơ trở thành F1 để chủ động hơn trong công tác truy vết, phát hiện, cách ly và xét nghiệm sàng lọc; kiên trì, tiếp tục rà soát, phát hiện, nắm hết danh sách, tiến hành xét nghiệm những người liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng để sàng lọc và thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra thực hiện việc phòng, chống dịch tại các chợ, tuyệt đối không được chủ quan, nhất là các chợ đầu mối, cảng cá; tăng cường xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (ra ngoài không cần thiết; mở cửa hàng, cửa hiệu buôn bán hàng hóa không được phép mở cửa...).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!