Cần giải pháp căn cơ giải quyết tình hình lao động thiếu việc làm
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31/5, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (tỉnh Long An) cho biết, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, trong đó có việc giải quyết chính sách cho người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, số doanh nghiệp phá sản tăng, doanh nghiệp thiếu đơn hàng khiến người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, đã có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc làm.
"Khi thất nghiệp, không có việc làm, giảm thu nhập sẽ tiềm ẩn mất an toàn xã hội, tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật có nguy cơ tăng" – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phân tích.
Đại biểu cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội.
Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động thiếu việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
"Một giải pháp gốc rễ là có chính sách tăng cường sức khỏe của doanh nghiệp. Từ phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp hiện nay đối diện với muôn vàn khó khăn" – đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết và đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp khả thi để kích cầu, tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp.
Thiết lập quỹ dự phòng hỗ trợ người lao động mất việc làm
Cũng về vấn đề lao động, đại biểu Tô Ái Vang (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát cũng tăng theo và ngược lại. Hiện nay Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Đại biểu Tô Ái Vang (tỉnh Sóc Trăng)
Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.
Vì thế, đại biểu tỉnh Sóc Trăng kiến nghị năm 2023, Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành ba loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (tỉnh Hải Dương) cũng cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm cho thị trường lao động sụt giảm, hàng trăm nghìn lao động mất việc làm nhất là tại các khu công nghiệp.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (tỉnh Hải Dương)
Đại biểu Dung cho rằng, điều này đã gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất. Bởi khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm…
"Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…" – ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ.
Đại biểu đặt câu hỏi rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa bởi điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia. Đại biểu nhấn mạnh, tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu Dung đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội, với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.
"Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta" – ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!