Huy động mọi nguồn lực để các hộ nghèo, cận nghèo có nhà mới đón Tết

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 14/01/2025 17:35 GMT+7

Tự động phát sau
2
Current Time0:00
/
Duration0:00

VTV.vn - Các địa phương đang đảm bảo tốt tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Tuy nhiên, cần chủ động huy động các nguồn lực khác ngoài nguồn phân bổ từ trung ương.

Đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành và khởi công hơn 88.000 căn nhà cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước; trong đó gần 28.000 căn nhà thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được khởi công và hoàn thành. Dù là thời điểm cuối năm, nhưng công việc này đang được các địa phương đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ.

Với các tỉnh miền núi, khó khăn khi triển khai xóa nhà tạm là nhiều hộ quá nghèo, không có vốn đối ứng. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Hà Giang đã linh hoạt phương thức triển khai là trong khoản hỗ trợ 60 triệu đồng thì tính toán đủ vật liệu, xây diện tích phù hợp với nhu cầu, vật liệu hỗ trợ cấp đến đâu thì trả tiền đến đó. Ngoài ra, nếu hộ dân đủ điều kiện có thể hướng dẫn xin vay thêm chính sách nước sạch vệ sinh để hoàn thiện căn nhà. Xã phải chủ động bố trí nhân lực hỗ trợ ngày công cho từng hộ.

Huy động mọi nguồn lực để các hộ nghèo, cận nghèo có nhà mới đón Tết - Ảnh 1.

Hiện một số địa phương đã ban hành mẫu nhà phù hợp với mức hỗ trợ và từng vùng. Ngoài ra, các huyện còn hỗ trợ chuyển đổi đất ở vì nhiều hộ nghèo đang ở trên đất nông nghiệp, đất rừng với tinh thần cứ xác minh không có tranh chấp là có thể khởi công.

Hiện 7 địa phương đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong quý 2 năm nay; 20 địa phương sẽ hoàn thành chương trình trước ngày 30/9. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh là địa phương đặt mục tiêu hoàn thành trước ngày 03/2.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các địa phương đã đảm bảo thực hiện tốt tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Tuy nhiên, ngoài nguồn lực phân bổ từ trung ương thì các địa phương cần chủ động, tích cực hơn trong huy động các nguồn lực khác nhằm bảo đảm kinh phí hoàn thành chương trình.

Vấn đề các địa phương lo nhất là phát sinh các trường hợp cần xóa nhà tạm, nhà dột nát bởi nhiều hộ người dân tộc chỉ cần tách ra ở riêng sẽ thành hộ nghèo và tại các huyện đặc biệt khó khăn thì ranh giới nghèo, cận và cả thoát nghèo... cũng rất mong manh.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ vật chất, mà còn là một hành động nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết của toàn xã hội. Đặc biệt, càng có ý nghĩa hơn với các hộ nghèo khi Tết đến, Xuân về... Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để giúp các hộ nghèo, cận nghèo có nhà mới đón Tết Nguyên đán, với yêu cầu chậm nhất là ngày 20/1 là dân phải dọn vào nhà mới.

Từ nay đến hết năm 2025, cả nước còn khoảng 226.000 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ người có công, hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, hộ nghèo, cận nghèo cần xây dựng, sửa chữa. Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước ngày 12/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; các ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm tập trung lãnh đạo chỉ đạo để thực hiện thành công mục tiêu đề ra là xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.





* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước