Huy động tổng lực, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Theo VGP-Chủ nhật, ngày 01/08/2021 12:00 GMT+7

VTV.vn - Theo phân bổ của Bộ Y tế, trong năm 2021, TP Hồ Chí Minh sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này. Đến ngày 31/7, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước.

TP Hồ Chí Minh được phân bổ vaccine COVID-19 cao nhất cả nước

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vaccine cho TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm chủng chống dịch.

Đến ngày 31/7, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/7/2021, Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vaccine phòng COVID-19 năm 2021. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine.

Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

Ngày 31/7, TP Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell do Sapharco mua.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Huy động tổng lực, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Điểm tiêm vaccine tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ngày 29/7, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho thành phố. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.

Tại hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ đối tượng tiêm chủng bao gồm tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền; cần đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…

Thành phố tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, kể cả các khu vực đang phong tỏa; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Huy động tổng lực

Xác định tiêm vaccine là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, TP Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu trong tháng 8, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân đạt trên 70%.

Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dự kiến đến ngày 3/8, thành phố sẽ tiêm xong 930.000 liều vaccine trong đợt 5. Bộ Y tế vừa cung cấp cho thành phố 2 loại vaccine AstraZeneca và Moderna với gần 600.000 liều. Do đó, thành phố sẽ triển khai tiêm luôn đợt 6 vào ngày thứ Tư tuần sau, rồi sẽ tiêm tiếp 1 triệu liều của nhà tài trợ...

Như vậy, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được mũi 1 khoảng 1,5 triệu liều, sẽ còn 4,5 - 5 triệu liều cần tiêm trong tháng 8. Theo đó, mỗi ngày thành phố phải tiêm đạt 150.000 liều trở lên. Hiện nay có một số quận, huyện tiêm rất nhanh, nhưng còn một số quận, huyện tiêm chậm, cần khắc phục thời gian tới.

Để đạt tiến độ tiêm đề ra, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh huy động lực lượng không chỉ y tế công mà còn cả y tế tư nhân, bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, điều dưỡng, dược sĩ khối tư nhân. Ngoài các điểm tiêm phường, xã, cộng đồng, cũng có thể tổ chức tiêm tại các phòng khám đa khoa ở các địa phương để tiêm cho người dân trên địa bàn.

Huy động tổng lực, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: HCDC

Tùy điều kiện từng địa phương, có thể kéo dài thời gian tiêm, không chỉ là tiêm 8 giờ trong ngày mà kéo dài đến 10 giờ, thậm chí 12 giờ. Tuy nhiên, khâu tổ chức phải cẩn thận, đảm bảo thời gian đi lại của người dân. Để thuận lợi cho việc tiêm ban đêm, nên chia ra tiêm từng khu phố, thậm chí tổ dân phố. Bên cạnh đó phải chuẩn bị lực lượng cứu hộ, có bộ chống sốc, bác sĩ, điều dưỡng, xe cứu thương...

Liên quan đến vấn đề này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân sau khi hoàn thành mũi tiêm trở về nhà, cần tiếp tục theo sức khỏe trong 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Chú ý các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm và thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo 5K.

Sau hơn 3 tuần thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường một số biện pháp, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Để tiếp tục kéo giảm số ca mắc, tập trung điều trị và hạn chế số ca tử vong, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một thời gian.

TP Hồ Chí Minh kêu gọi sự ủng hộ và chung sức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Đảm bảo nguyên tắc "nhà cách ly với nhà, người cách ly với người", chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và luôn tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế, quy định tại khu cách ly, khu phong tỏa. Chủ động chăm sóc và theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước